Con người ta luôn đi tìm, đi tìm sự thật, đi tìm hạnh phúc, tìm cái đẹp, tìm những giá trị chân-thiện-mỹ thật sự. Nhưng tìm ở đâu nhỉ? Ở những thành phố tấp nập đầy bận rộn hay những đồng quê yên tĩnh? Ở bờ bên kia của thế giới hay ở ngay trước sân nhà? Ôi, những thứ họ đi tìm đều có ở trong sách đấy thôi, như George Bernard Shaw từng nói: “Chỉ trong sách, con người mới biết đến sự thật, tình yêu và cái đẹp hoàn hảo”. Vâng, tôi đã gặp được những thứ tuyệt vời như “sự thật, tình yêu và cái đẹp hoàn hảo” ở một quyển sách, và quyển ấy mang tên “Oscar và bà áo hồng”.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về quyển sách chính là “độ dày” của nó, một quyển sách mỏng về dung lượng nhưng dày về nội dung. Tôi đã nghĩ ngay đến điều đó khi đọc đến phần giới thiệu quyển sách: Chỉ vỏn vẹn hơn 100 trang, Schimitt đã thành công trong việc kể với chúng ta về nỗi đau, nỗi buồn, niềm hy vọng và cái chết với đầy chất thơ, chất hài và cảm xúc. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách được độc giả Pháp bình chọn trong danh sách “những cuốn sách đã thay đổi cuộc đời tôi” – một điều hiếm thấy của một tác giả còn sống – đưa Oscar và bà áo hồng sánh ngang cùng Ba chàng lính ngự lâm hay Hoàng tử bé.” Ồ, quyển sách còn có một trang bìa đẹp và một cái giá hấp dẫn. Nói về trang bìa, ta thấy ở đó một buổi hoàng hôn với hai nhân vật đang nhìn về phía trước, về hướng có ánh sáng. Một ánh nhìn đầy hy vọng.
“Oscar và bà áo hồng” được viết bởi nhà văn Eric-Emmanuel Schmitt. Ông là một trong những tiểu thuyết gia, kịch gia đương đại nổi tiếng của Pháp. Xuất thân từ gia đình trí thức, bản thân ông cũng là tiến sĩ triết học. Sau một khoảng thời gian làm giáo viên, Schmitt đã chuyển hoàn toàn sang mảng sáng tác. Từ đó, ông đã giành được khoảng 30 giải thưởng văn học, gồm giải thưởng lớn như giải Viện Hàn lâm Pháp cho toàn bộ sự nghiệp sân khấu (2001), giải Chronos cho “Oscar và bà áo hồng” (2004), giải Goncourt cho tập truyện ngắn “Một mối tình ở điện Élysée” (2010)… Ông cũng được trao huân chương Hiệp sĩ văn học và nghệ thuật của chính phủ Pháp.
Về mặt nội dung, cuốn sách gồm mười bốn bức thư gửi Chúa. Mười ba bức thư đầu là từ Oscar, cậu bé với biệt danh Sọ Trứng do đầu trọc – hệ quả sau đợt điều trị hóa chất do bệnh máu trắng. Qua những bức thư, cậu kể về những ngày cuối đời nơi bệnh viện, về những mong ước, tâm tư, suy nghĩ của mình với Chúa. Ôi, phải chăng cuốn sách toàn là những suy nghĩ buồn rầu, chán chường, đầy đau đớn của một kẻ sắp chết? Hay là những cơn sợ hãi, những nỗi ám ảnh khôn nguôi của con người trước cái chết? Không, cậu đã sống trọn, đã hạnh phúc đến những giây phút cuối cùng. Đó là vì bên cạnh cậu có bà Hoa Hồng, người đã đề nghị cậu chơi một “trò chơi” vào mười hai ngày cuối cùng: “Ở quê bà, Oscar ạ, có một truyền thuyết kể rằng trong 12 ngày cuối cùng của một năm, người ta có thể dự đoán được 12 tháng của năm tiếp theo sẽ như thế nào. Chỉ cần quan sát từng ngày một để có được bức tranh thu nhỏ của từng tháng… Đấy là truyền thuyết. Ta muốn bà cháu mình thử chơi trò đó, cháu và ta. Đặc biệt là cháu. Từ ngày hôm nay cháu sẽ quan sát mỗi ngày và tự nhủ là mỗi ngày tương ứng với 10 năm”. Và thế là Oscar, cậu bé mười tuổi có lẽ phải chết sau 12 ngày nữa, đã có thể sống được “120 năm trọn vẹn”: tuổi hai mươi với những rung động, những bồng bột, những “đặc trưng của tuổi dậy thì”; tuổi ba mươi với những ý thức về trách nhiệm; tuổi bốn mươi với những “trả giá” cho “sai lầm tuổi trẻ”, những cuộc “hồi xuân”, những vấn đề gia đình; tuổi năm mươi với những giãi bày, những thức nhận về nơi ta thuộc về: gia đình; tuổi sáu mươi với những vấn đề sức khỏe, những hoài niệm về tuổi trẻ; tuổi bảy mươi trở đi với những suy ngẫm về những điều giản dị nhưng vô cùng sâu sắc… Rồi cuối cùng, cậu lặng lẽ ra đi để lại mười ba bức thư cùng dòng chữ: “Chỉ Chúa mới có quyền đánh thức tôi”. Nối tiếp mười ba bức thư ấy là bức thư của người đã gợi ý Oscar viết thư tâm sự với Chúa – bà Hoa Hồng, bức thư cuối cùng, bức thư tôi yêu nhất. Đó là vì lúc đọc bức thư ấy, tôi chợt nhận ra rằng chính bà Hoa Hồng mới là người được giúp đỡ. Bà giúp Oscar vượt qua những khó khăn bằng những truyền thuyết, những câu chuyện trên võ đài mà mình tự chế. Và rồi bà tìm thấy thấy mình, thấy chính mình trong mình câu chuyện ấy. Bà là người gợi ý cho Oscar viết thư cho Chúa. Và rồi chính nhờ Oscar, nhờ những bức thư của cậu mà bà tin vào Người. Bà là người luôn yêu thương, bên cạnh và trò chuyện cùng Oscar. Và rồi, bà nhận ra rằng: “Cảm ơn đã cho con gặp Oscar. Nhờ cậu bé, con đã cười và đã biết đến niềm vui”, “con tràn đầy tình yêu, nó thiêu đốt con, cháu đã trao con biết bao yêu thương để dành cho những năm tháng sau này.” Hóa ra cho đi là nhận lại. Hóa ra giúp đỡ người khác cũng chính là tự giúp mình. Hóa ra…
Cái hay ở quyển sách chính là nói về những vấn đề lớn dưới góc nhìn của một cậu bé, nói về những điều phức tạp bằng ngôn từ đơn giản, nói về những điều đặc biệt thông qua những tình tiết ta cho là hiển nhiên. Những vấn đề lớn, những chủ đề về sự sống và cái chết, về đức tin và tôn giáo đều được đề cập đến một cách vô cùng dí dỏm, nhẹ nhàng. Ví như Oscar đã tìm đến những từ khóa như “Sống”,”Chết”, “Đức tin”, “Chúa” trong quyển “Từ điển y khoa”. Và điều hiển nhiên là trong đấy không cho những từ khóa như thế rồi. Một sự việc chẳng có gì đặc biệt. Thế nhưng cậu viết cho Chúa thế này: “Đấy, điều này chứng tỏ những thứ ấy không phải là bệnh, cả sống, cả chết, cả đức tin, và cả ông”. Hay khi bà Hoa Hồng nói “không ai có thể tránh được đau khổ, cả Chúa, cả cháu. Cả bố mẹ cháu, cả ta”. Nhưng “phải phân biệt hai loại đau khổ, Oscar bé bỏng của ta ạ, đau đớn thể xác và đau đớn tinh thần. Đau đớn thể xác, ta phải chấp nhận. Đau đớn tinh thần, ta được lựa chọn”. Đau đớn về thể xác đâu có nghĩa là đau đớn về tinh thần. Ta không thể lựa chọn cách mình sinh ra nhưng ta có thể lựa chọn cách ta tồn tại. Tồn tại với niềm vui sướng về những giá trị ta có hay với nỗi bất hạnh về những điều ta đang thiếu đều là do ta quyết định. Tinh thần mà, nó là của ta, của riêng ta, chẳng phải của hoàn cảnh cũng chẳng phải của “số trời”. Sau cùng thì ta mới là người quyết định.
Với giọng văn dí dỏm, hài hước cùng với vốn từ ngữ phong phú, với tiếng nói của trái tim, với tình tiết nhẹ nhàng, với cách kể độc đáo, tác giả đã mang đến cho ta những giá trị tư tưởng, những giá trị nhân văn sâu sắc. Oscar ra đi đâu chỉ để lại mười ba bức thư cùng dòng chữ đâu, cậu để lại nhiều thứ lắm đấy. Chẳng phải cậu bé đã để lại cho ta những rung động của con tim, những suy nghĩ khôn nguôi về các vấn đề cốt lõi của cuộc sống, về tình yêu, lòng nhân ái, sự dũng cảm, tinh thần trách nhiệm… sao? Cậu còn để lại cho ta một bí mật: “mỗi ngày, hãy cứ nhìn thế giới như thể đó là lần đầu tiên”. Những vấn đề được đề cập đến trong sách có lẽ không mới, nhưng dưới cách tiếp cận, dưới ngòi bút của Schmitt thì những điều ấy chẳng cũ, chẳng nhàm chán chút nào. “Đơn giản là kiệt tác” – Témoignage Chretien.
Eric-Emmanuel Schmitt từng chia sẻ: “Tôi không viết để thuyết giáo. Ngược lại, tôi thích làm người đọc suy nghĩ bằng cách kể một câu chuyện hay”. Và quả thật, câu chuyện chẳng phải là cái “rổ đạo lý”, cũng chẳng phải những kẻ chuyên đi thuyết giáo về đời, về người, về những triết lý nhân sinh. Thế nhưng, quyển sách đóng lại mở ra cho tôi vô vàn những suy nghĩ, nghĩ về cái chết, về tin, về tình yêu thương, về những giá trị đẹp. Gấp quyển sách lại, tôi thấy mình trong cái “nhút nhát” của bố mẹ Oscar, trong cái “tự trách” của bác sĩ Dusseldorf… Có lẽ đã đến lúc tôi cần giải bày, không thì tôi sẽ “mục ruỗng” mất.
Còn bạn, bạn còn đợi chờ gì nữa?
Diệp Quế Anh