Tin tức nữ nhà văn Han Kang của Hàn Quốc đoạt giải Nobel Văn học năm nay cho mình cái cớ để ngồi xuống viết về “Người ăn chay”- một cuốn sách gây nên nỗi hoang hoải mịt mờ.
Ở những lần đọc trước, vì mình quá tập trung đến khía cạnh nữ quyền sinh thái trong câu chuyện, nên chỉ chú ý nhân vật chính. Nhưng ở lần đọc này, mình chợt nhận ra đây thực sự là một “liên truyện”. Bởi vì nó không phải là một tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời một nhân vật chính là Yeong-hye được kể từ góc nhìn của ba nhân vật khác nhau: chồng Yeong-hye, anh rể của cô, và chị gái cô, mà nó là những câu chuyện về những mảnh đời. Hai nhân vật: ông anh rể, người chị cũng xứng đáng là những nhân vật chính trong câu chuyện họ kể, nỗi đau của họ cũng đáng để được lắng nghe. Ba câu chuyện trong liên truyện đem đến cho mình ba màu sắc cảm xúc: phẫn uất, tiếc nuối và hoang hoải.
- NGƯỜI ĂN CHAY: NỖI PHẪN UẤT VÌ KHÔNG THỂ ĐƯỢC SỐNG NHƯ CHÍNH MÌNH
Câu chuyện mở đầu qua lời kể của chồng Yeong-hye – một người đàn ông bình thường, thực dụng. Cuộc hôn nhân của anh với Yeong-hye là chuỗi ngày bình lặng đến mức tẻ nhạt. Trong mắt anh, Yeong-hye vốn là một người phụ nữ đơn giản và lặng lẽ. Cô là một bà nội trợ chu toàn và vẫn có công việc riêng, sở thích riêng. Chỉ ngoại trừ việc không thích mặc áo ngực, còn lại không có gì nơi cô khác chuẩn mực cả. Cho đến một ngày, bỗng nhiên cô quyết định từ bỏ ăn thịt vì mơ thấy những cảnh tượng máu me ghê rợn. Anh thấy cô không ổn nhưng cũng chẳng nghĩ đến chuyện giúp đỡ hay chạy chữa. Anh không thể hiểu được vợ, nhưng sẽ cứ để như vậy nếu không có một ngày sự khác thường của cô khiến anh thấy xấu hổ với đồng nghiệp. Vì thế anh báo cho gia đình cô. Cả gia đình ai cũng thấy cô kỳ lạ và việc ăn chay là một thứ bệnh, nên đã quyết tâm bắt cô phải ăn thịt. Người cha ép bức nhét thịt vào miệng cô và giáng cho cô vài cái bạt tai thô bạo. Bất ngờ, cô chụp lấy con dao cứa tay, nhưng tự vẫn bất thành. Khi cô trong bệnh viện, mẹ cô lại xay nước thịt hòa với thuốc ép cô uống, và la mắng khi cô ói ra thứ nước thịt mà cô không thể chịu được. Người chồng chia tay cô, với suy nghĩ “mình là người thiệt thòi mà!”.
Đan xen với lời kể của người chồng là lời tự sự của Yeong-hye. Cô không chỉ kể về những giấc mơ đẫm máu hành hạ cô đêm đêm, mà còn về những bất ổn trong chuỗi ngày tưởng như bình lặng: Đó là những lúc cô đứng thái miếng thịt đông lạnh cứng đơ và người chồng cáu kỉnh giục giã, khiến lưỡi dao trượt ra cắt đứt tay cô. Đó là lúc người chồng nhảy dựng lên chửi bới khi đang ăn thì thấy mảnh dao trong thịt, mà chẳng hề nghĩ mình phải giúp vợ băng bó chỗ đứt tay. Xa hơn, đó là rất nhiều tổn thương trong tuổi thơ bị ông bố đánh đập. Đó còn là kí ức về cái ngày ông bố tàn nhẫn kéo con chó – vốn là thú nuôi thông minh gần gũi trong nhà – chạy cho đến khi nó mệt đứt hơi chết, bởi vì “chó mà phải chạy cho đến chết thì thịt sẽ mềm hơn”. Và cô, khi ấy là một đứa trẻ, sau khi góp lời chửi bới con chó, đã đứng nhìn nó chạy đến chết, rồi cũng đã ăn thịt nó. Và trong hỗn mang tâm trí, cô đã gọi ra được căn nguyên những giấc mơ: “Tại thịt thôi. Tại ăn quá nhiều thịt. Những mạng sống ấy treo cả lên chỗ đó…”
Sâu thẳm hơn, Yeong-hye chọn ăn chay không phải chỉ vì cô ám ảnh về thịt, mà còn vì muốn khước từ sự kiểm soát của gia đình và xã hội lên cơ thể của mình. Cô đã lặng im chấp nhận việc không được lắng nghe, không được yêu thương, không được tự do, không được sống như mình muốn trong suốt tuổi thơ, rồi trong suốt những năm đầu cuộc hôn nhân, và nếu không phản kháng, cô sẽ phải kéo lê mình trong suốt cả cuộc đời. Hành động cô từ chối mặc áo ngực khi đến cuộc gặp gỡ với các đồng nghiệp của chồng, trong mắt chồng cô là một nỗi hổ thẹn, nhưng với cô, đó là nỗ lực thực hiện quyền tự quyết của mình đối với bản thân. Trong bữa tiệc của cả nhà, việc cô mím chặt môi không ăn thịt và lời nói rành mạch “con không ăn thịt” là nỗ lực gửi đi thông điệp rõ ràng rằng “Hãy để con được yên”.
Không chỉ dừng lại ở chuyện không mặc áo ngực hay không ăn thịt, Yeong-hye trở nên ngày càng xa cánh thế giới xung quanh, tìm kiếm sự hòa hợp với thiên nhiên và từ chối bản năng con người. Cô thích cởi áo phơi mình dưới nắng như một cái cây. Cô hạnh phúc khi được vẽ hoa lên người. Và đến cuối truyện, cô thực sự tin mình là một cái cây.
Quá trình biến đổi về thể chất và tinh thần của Yeong-hye từ một người phụ nữ tuân thủ các quy tắc xã hội cho đến khi quyết liệt trở về với thiên nhiên là một thông điệp rõ ràng của nhà văn Han Kang về quan điểm nữ quyền sinh thái (ecofeminism). Nữ quyền sinh thái là một lý thuyết và phong trào xã hội kết hợp giữa nữ quyền và bảo vệ môi trường, nhấn mạnh mối liên hệ giữa sự áp bức đối với phụ nữ và sự khai thác thiên nhiên. Các nhà lý thuyết nữ quyền sinh thái cho rằng cả phụ nữ và thiên nhiên đều bị chiếm đoạt và kiểm soát bởi các hệ thống quyền lực nam giới và văn hóa thượng tôn loài người. Trong “Người ăn chay”, cơ thể của Yeong-hye và thiên nhiên đều bị xem như những thứ có thể khai thác và chiếm đoạt. Quyết định từ bỏ việc tiêu thụ thịt động vật và khước từ quan hệ thể xác với người chồng không có tình yêu của cô biểu thị ý muốn chống lại việc biến cả cơ thể phụ nữ và động vật thành những đối tượng bị lợi dụng.
Nhưng nếu như chỉ dừng lại tại đây, có lẽ “Người ăn chay” đã biến thành một tiểu thuyết luận đề, một sự minh họa như “đo ni đóng giày” cho lý thuyết nữ quyền sinh thái. Một tiểu thuyết nếu để minh họa cho một lý thuyết sẽ trở nên khô xơ và khó lay động được trái tim độc giả. Cho nên Han Kang không dừng lại tại đó, cô tiếp tục đưa độc giả theo hành trình chênh vênh vào tâm trí và nỗi đau của nhiều con người khác nữa.
- VẾT CHÀM MONGOLIA: NỖI TIẾC NUỐI
Phần hai của cuốn sách là câu chuyện được kể qua giọng của anh rể Yeong-hye. Anh là một nghệ sĩ tài năng nhưng đang loay hoay trong thế giới nghệ thuật. Anh bị cuốn hút bởi cơ thể của Yeong-hye vì anh thấy ở cô một sự hoang dại, tự do và tinh khiết mà anh không thể tìm thấy ở đâu khác. Trên người Yeong-hye có một vết chàm xanh thường có ở những đứa trẻ mới chào đời, như dấu vết của những ký ức xa xôi, mà anh tin là một sự liên kết sâu sắc với thiên nhiên. Sự cuốn hút ấy đã đưa anh vào một cơn ám ảnh, khiến anh khẩn thiết muốn thực hiện một video nghệ thuật trên cơ thể Yeong-hye. Anh đề nghị Yeong-hye cho anh vẽ hoa lá lên cơ thể cô, và quay video để ghi lại sự tương tác tuyệt vời của cơ thể ấy trong ánh sáng. Táo bạo hơn, anh muốn có cảnh giao hoan giữa một người nam cũng vẽ đầy hoa trên cơ thể với cô, để những bông hoa trên người họ khép mở nhịp nhàng theo mỗi nhịp ái ân, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên. Người đồng nghiệp từ chối vào phút chót, và anh đã để chính mình làm người nam ấy. Nhưng anh không thể dừng ở thứ nghệ thuật thuần khiết. Anh thèm muốn, và anh đã vượt quá giới hạn thể xác với Yeong-hye. Bị chị Yeong-hye phát hiện, cả hai người đều bị gửi vào bệnh viện tâm thần.
Ở những lần đọc trước, mình cảm thấy có phần ghê tởm với người anh rể này. Nhưng trong lần đọc này, dâng lên trong mình là một nỗi tiếc nuối vô biên…
Bởi vì trong truyện, anh rể là người duy nhất thấy Yeong-hye không bị tâm thần mà bình thường, rất bình thường. Anh nhìn thấy cơ thể cô không phải là gầy đét như mọi người thấy, mà là “một cơ thể khiến cho người ta chỉ muốn lặng yên ngắm nhìn”, “một thân thể đã hoàn toàn thoát khỏi mọi dục vọng”. Anh nhìn thấy trong tâm hồn cô sự tinh khiết, tĩnh lặng.
Yeong-hye đã lần đầu tìm thấy giấc ngủ ngon sau khi được anh vẽ hoa lên người. Cô không còn gặp ác mộng nữa. Cô thậm chí không muốn tắm vì sợ mất những nét vẽ. Cô hạnh phúc với công việc đang làm cùng anh. Cô đồng thuận với cuộc giao hoan không phải vì anh, mà vì những bông hoa được vẽ trên cơ thể anh. Họ nằm bên nhau ngủ thật say và thật yên.
Sẽ thật an lành biết bao nếu anh không phải là anh rể cô. Nếu anh là một người khác đến với cô trong bối cảnh người chồng tệ bạc đã rũ bỏ cô, thì có thể cô đã được yên thân là mình, được sống một cuộc đời tự do và hạnh phúc.
Chỉ tiếc rằng anh là anh rể cô….
Trong truyện, anh rể của Yeong-hye ngay khi được giới thiệu với gia đình cô đã tìm thấy nơi cô thứ mà anh ngờ ngợ là “thiếu thiếu” nơi vợ mình, cũng giống như chồng của Yeong-hye ngay khi thấy chị vợ đã thầm có một niềm ao ước. Ông trời ghép nhầm đôi. Có những hành động trở thành không thể chấp nhận được, trở thành đánh ghê tởm, vì là nhầm đôi…
Không chỉ tiếc cho Yeong-hye, mình tiếc cho người anh rể nữa.
Anh không tồi. Anh cô đơn biết bao. Anh có một người vợ tuyệt vời, nhưng giữa họ không có sự hòa điệu. Anh tài năng, nhưng anh cô độc và bế tắc.
Khi bị vợ gọi xe cứu thương đưa đi, anh đã lao ra ban công. Giá người ta để anh chết, chứ đừng bắt anh vào viện tâm thần, vào nhà tù, rồi trở thành một kẻ lang thang mất hết tất cả, đừng để tác phẩm nghệ thuật của anh bị hủy hoại bằng những phán xét đạo đức ghê gớm và dai dẳng.
- CÂY PHÁO HOA: CÔ ĐƠN HOANG HOẢI
Ở phần cuối cùng, câu chuyện được kể lại qua đôi mắt của chị gái Yeong-hye.
Khi biết về mối quan hệ bất chính giữa chồng mình và em gái, cô đau đớn vì bị phản bội và nghĩ chồng đã lợi dụng tình trạng không tỉnh táo của em. Cô cắt đứt với chồng, nhưng cô không ghét bỏ em mình. Trong khi cả cha mẹ và chồng của Yeong-hye đều từ bỏ người bệnh, In-hye vẫn kiên nhẫn ở bên cạnh em gái, chăm sóc và trả tiền viện phí cho em từ bệnh viện tâm thần này đến bệnh viện tâm thần khác.
In-hye cảm thấy bất lực khi không thể giúp Yeong-hye thoát khỏi trạng thái suy sụp. Cô nhìn thấy em gái dần dần tự hủy hoại bản thân, như thể Yeong-hye đang cố gắng biến mình thành một thứ gì đó không còn thuộc về thế giới loài người. Nhưng dù biết rằng Yeong-hye đang đi đến cái chết từng ngày, In-hye vẫn không thể làm gì hơn ngoài việc đứng nhìn.
Dường như cô đã hiểu ra. Cô nhìn thấy trong Yeong-hye sự phản chiếu nỗi đau của chính mình- những nỗi đau mà cô không dám thể hiện ra ngoài. Cô biết em tổn thương từ thời ấu thơ vì bị người cha cộc cằn đánh đập thường xuyên, nhưng chính cô cũng đã cùng em trải qua những trận đòn ấy. Cô biết em không hạnh phúc với người chồng thờ ơ của em, nhưng chính cô cũng chênh vênh trong cuộc hôn nhân của mình với chồng. Thời thơ ấu, cô thay mẹ chăm sóc em gái, lúc trưởng thành, cô phải gánh vác trọng trách làm mẹ, làm vợ và điều hành công việc kinh doanh.Trong tận cùng của đau khổ và kiệt quệ, cô vẫn phải một mình kiếm tiền, chăm con, chăm em. Cô nhận ra sự bùng phát cơn bệnh tâm lý của em cũng chính là những gì lẽ ra sẽ đến với mình, chỉ là ở em nó đến nhanh hơn mà thôi. Và cô biết rằng nếu không có em, có lẽ người sẽ phản kháng, sẽ chết chính là cô…
Mình nghĩ chính người chị mới là một nạn nhân đau khổ nhất của trật tự xã hội nam quyền, của định kiến, của quy tắc và chuẩn mực.
Yeong-hye có thể được là chính mình nhờ phản kháng. Người chị thì không. Cô sẽ kéo lê đời cô tiếp, vì em, rồi vì con, vì gia đình, vì bao nhiêu thứ khác, vì “hy sinh” đã được khắc trong tâm trí người phụ nữ Á Đông như một mĩ từ. Cô là biểu tượng cho những nỗi đau thầm lặng không được nhận ra hay bù đắp, biểu tượng cho sự đấu tranh âm thầm để tồn tại trong một thế giới đầy áp lực và kỳ vọng. Trong câu chuyện này, In-hye không chỉ là một nhân vật phụ, mà là một nhân vật chính, đại diện cho những người phụ nữ đang phải chiến đấu với những nỗi đau cá nhân sâu sắc trong bóng tối.
Tóm lại, Người ăn chay” của Han Kang là một tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật và nhân văn, chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa về sự áp bức, về khát vọng tự do cá nhân, về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Truyện không chỉ kể về một người phụ nữ lựa chọn con đường ăn chay, mà còn phản ánh những xung đột sâu sắc trong xã hội hiện đại, đồng thời đặt ra những câu hỏi về thân phận, sự lựa chọn và ý nghĩa của cuộc sống.
Khác thường, hoang hoải, cô đơn, nhưng đẹp. Đó là những điều làm nên sức hấp dẫn của văn chương Han Kang.
Ngoại trừ việc giải Nobel gọi tên Han Kang của Hàn Quốc trước Haruki Murakami của Nhật Bản, trước Tàn Tuyết của Trung Quốc ra, thì lựa chọn này, dẫu bất ngờ, nhưng vô cùng xứng đáng!
Thanh Tâm (Ô cửa sách)