Mạng xã hội là nơi con người là một phần của đám đông. Trong đám đông ấy, ranh giới giữa cái thiện và cái ác, cả trong suy nghĩ lẫn trong hành động của chúng ta, đều hết sức mong manh, và mỗi con người cần phải hết sức cẩn trọng và nhân ái trong từng hành động, từng lời nói. Đó chính là thông điệp mà Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả “Thiện, ác và Smartphone” đã gửi gắm đến chúng ta, qua việc phân tích các ví dụ rất cụ thể và mang tính thời sự dưới góc nhìn của một nhà hoạt động xã hội giàu cá tính, với bút pháp mạnh mẽ, sắc cạnh, đậm tính châm biếm thể hiện qua những cách nói như “làm nhục mua vui” hay “50 sắc thái căm ghét”. Chúng ta đang sống trong một thời đại của những “dân phòng trên mạng”, mà trong đó sự “làm nhục tập thể” những kẻ đi ngược lại số đông, với khẩu hiệu: “Nhân danh công lý, hãy làm nhục chúng!” được ưa chuộng như một thứ “chế tài xử phạt” trong xã hội mà không cần được hợp pháp hóa. Những đối tượng của sự “làm nhục” đó có thể đã phạm sai lầm trong những khoảnh khắc nhất thời, như hai cô bảo mẫu của nhà trẻ Phương Anh hay hai anh em du khách người Việt ăn trộm kính ở Thụy Sĩ. Nhưng chúng ta, những người “ném đá hội nghị”, “làm nhục tập thể” đối với họ, lại đang phạm một sai lầm lớn hơn rất nhiều: sai lầm của sự trả thù, của sự thực thi công lý bởi những “dân phòng mạng”. “Sự trả thù trên mạng xã hội sẽ kéo dài mãi mãi” bởi vì nó ảnh hưởng tới cả cuộc đời của những con người đã hứng chịu búa rìu dư luận, thứ búa rìu của sự căm ghét, một kiểu căm ghét “chuyên nghiệp”, nơi người ta sẽ không từ bất kỳ một thủ đoạn gì để tẩy chay đối tượng cần phải thanh lọc với quan niệm rằng “đánh một con vật bao giờ cũng dễ hơn đánh một con người”.
Nhưng chính thực trạng đó đòi hỏi ta phải ý thức được rằng, “vô cảm không chỉ là tội ác mà còn là sự trừng phạt” (Elie Wiesel). Nó là sự trừng phạt cho những con người từ bỏ nhân tính của chính mình trong việc hạ thấp nhân tính của kẻ khác. Vậy, giải pháp mà tác giả đưa ra cho chúng ta là gì? Đơn giản thay, đó chính là một điều cốt tử trong mỗi con người: lòng nhân ái. Nhân ái để tỉnh táo, để thấu hiểu, để cảm thông, để không sa vào vòng xoáy chỉ trích của công luận đối với mọi sự trên đời. Tôi tán thành với cách tác giả thẳng thắn tiếp cận mọi vấn đề nóng hổi của xã hội, cách ông đủ khách quan để phản ánh chúng sao cho mỗi chúng ta nhận ra rằng, ranh giới giữa thiện và ác thực ra mỏng manh vô cùng. Nhưng trên hết, tôi tán thành việc Đặng Hoàng Giang chọn nhân ái là giải pháp của mình. Một nhà triết học đã từng nói: “Giải pháp cao quý nhất cho mọi vấn đề là trái tim con người, nhưng không phải bao giờ con người cũng hiểu ra điều đó.” Chính bởi con người không hiểu ra rằng mọi bất hòa chỉ có thể giải quyết bằng tình yêu thương đồng loại, nên mới xảy ra hết thảy mọi vấn đề xoay quanh câu chuyện “chiếc smartphone”. Vì thế nên, câu trả lời xuất phát từ trái tim luôn là câu trả lời đúng đắn nhất cho mọi câu hỏi. Sự tôn trọng, yêu thương thì luôn tuyệt vời hơn sự ghét bỏ, khinh bỉ rồi. Bản thân tôi, một người đã từng trải qua một cơn khủng hoảng online do bất đồng quan điểm với đám đông, hiểu rõ rằng lòng nhân đạo là tối cần thiết cho cuộc sống của mỗi người, đặc biệt trong một không gian mà ranh giới thiện – ác, tốt – xấu, cao quý – đáng khinh,… là vô cùng nhỏ.
Và ranh giới ấy chỉ có thể được phân định khi con người ta giữ cho mình “một con dao mổ lạnh trong một bàn tay ấm” như lời một nhà báo nhận xét về tác phẩm nghị luận xã hội mẫu mực này. Vì vậy, trước khi tắt chiếc smartphone đang cầm trên tay đi và đọc cuốn sách này, mỗi người phải luôn giữ cho mình được một cái đầu lạnh và một trái tim nồng ấm. Bởi chỉ có điều đó, chứ không phải việc chúng ta bình luận chửi bới ai đó trên mạng xã hội nhân việc họ sai phạm, mới giúp cho con người ta thực sự hướng tới cái gọi là công lý.
Người viết: Thế Minh