XUYẾN XAO “MẮT BIẾC”

“Mắt biếc”- khúc hoài niệm của tình đầu

 

Hòa vào mây, vương vào nắng và thắm như tôi yêu nàng. Trong bài ca, ta bước thênh thang…”

Từng lời ca của Ngạn vang lên, đưa biết bao khán giả vào vùng trời mơ mộng với tình đầu trong sáng…

 

Bộ phim của Victor Vũ đã đánh thức niềm xao xuyến của bao thế hệ độc giả từng đọc “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh từ những năm 1990 đến nay.

“Nostalgia”- hoài cổ- là chìa khóa làm nên thành công của Mắt biếc. Khán giả 5X, 6X, từng lớn lên ở miền Nam trước 1975 qua âm nhạc, cảnh vật, bức tranh sinh hoạt trong “Mắt biếc” mà tìm thấy khung trời tuổi mộng. Khán giả 7X, 8X nhờ “Mắt biếc” mà nhớ về thời hoa niên bao nhiêu đứa giấu truyện Nguyễn Nhật Ánh trong cặp, lúc mới yêu, từng chép thơ tặng người tình từ trong cuốn “Mắt biếc”. Với 9X, 2000, ai chẳng có một mối tình đầu, “Mắt biếc” làm khán giả xuyến xao:

“Ôi mối tình đầu

Như đi trên cát

Bước nhẹ mà sâu.”

Nhưng không “nhòa mau” như lời thơ của Phạm Thiên Thư….

Thậm chí, trên facebook, có lời nhắc “chống chỉ định”: nếu đã lập gia đình với người không phải crush thuở xưa, thì đừng xem “Mắt biếc”, kẻo nhớ về người xưa….

 

Một “Mắt biếc” bình dị cho ta lắng lại giữa ngày vội vã

Hình ảnh về ngôi làng Đo Đo, nơi chất chứa biết bao tình cảm của chàng trai si tình- Ngạn- được khắc họa một cách bình dị, chất phác, hệt như những con người của làng. Tất cả mọi thứ, từ lớp học vỡ lòng của thầy Phu cho đến chợ làng đều hiện lên đúng như những gì Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả trong cuốn sách. Tuy nhiên, vẫn có những nuối tiếc khi mà những khung hình này trôi đi hơi vội bởi chính tác giả của Mắt biếc đã từng trải lòng :“Đo Đo là một ngôi làng nhỏ ở xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên trong quãng thời gian đầu đời vô tư lự. … Những hình ảnh thơ mộng ấy sau này đã đi vào trang sách của tôi như những phản quang tuyệt vời của kỷ niệm.”

So với truyện, những chi tiết về làng Đo Đo bị lược bỏ khá nhiều. Những nhân vật gắn bó với Ngạn như chị Quyên, chị Nhường hay thầy Cải, cô Thung chỉ xuất hiện thoáng qua trong bộ phim, có lẽ bởi dung lượng phim không cho phép.

 

Một nhân vật mới được thêm vào thay cho một nhân vật khác.

Ắt hẳn thay đổi lớn nhất trong phim chính là sự thêm vào của nhân vật Hồng, một cô gái hết mực yêu thương Ngạn, dành cả tuổi thanh xuân cạnh anh nhưng lại chẳng nhận được gì. Nhân vật Hồng xuất hiện khá bất ngờ vì không có bất kì sự thông báo nào trước đó cả trên fanpage của phim hay sự “bật mí” nào từ phía nhà sản xuất. Dẫu vậy, Hồng lại gây được ấn tượng mạnh cho khán giả bởi với cô, trong phim có thêm một kẻ si tình. Cũng qua hành động từ chối tình yêu của Hồng, sự chung tình đến khờ dại của Ngạn với Hà Lan càng được tô đậm hơn.

Nhân vật được cắt bỏ chính là bố của Hà Lan. Ông được miêu tả có đôi mắt biếc, chính là đôi mắt đã di truyển cả ba thế hệ. Hằng ngày, khi không ra đồng làm việc, ông thường nằm trên võng nhìn lên trời, cặp mắt long lanh ấy làm nhớ tới Hà Lan. Việc bỏ đi người cha trong phim giúp khán giả thông cảm hơn cho Hà Lan, thấu hiểu cho những nông nổi của cô. Chỉ bằng một đoạn trò chuyện ngắn giữa hai người phụ nữ, Hà Lan và mẹ đã có biết bao đồng cảm. “Một người đàn bà chửa hoang sẽ không bao giờ tìm được một người một người đàn ông tốt”, dường như chính Hà Lan đã đi theo vết xe đổ của mẹ mình.

 

Nhân vật nào cũng có “mắt biếc” của riêng mình.

Nếu như Ngạn suốt đời chỉ say mê “Mắt biếc” của mình, thì những nhân vật khác như Hồng, Hà Lan, Trà Long cũng say mê trao trái tim mình cho một ánh mắt riêng. Ngạn là một chàng trai của quá khứ, của làng, bởi “nhắc tới Đo Đo, tôi chỉ nghĩ tới làng và Hà Lan”. Ngạn chỉ luôn đắm chìm trong kí ức, của tuổi hồn nhiên và anh mong Hà Lan cũng vậy. Tuy vậy, Hà Lan lại là người đối ngược hoàn toàn. Cô không níu kéo quá khứ mà cô lớn lên, xem Đo Đo là một nơi “đã từng” vì cô yêu nơi thành phố. Sau một tháng lên thành phố, khi về lại quê cô đều cho rằng “ở quê mình bé xíu à, khi Ngạn lên thành phố, Ngạn sẽ thấy cái gì cũng to lớn hơn nhiều”. Và cũng chính nơi đây, cô đem lòng yêu Dũng nhưng kết quả mà cô nhận lại là nỗi đắng cay, đau buồn. Về Hồng, Hồng như tấm gương phản chiếu của chính Ngạn. Cô theo Ngạn về làng Đo Đo làm cô giáo, chăm sóc anh khi anh ngã bệnh. Ba mươi lăm tuổi, cô từ chối bao nhiêu chàng trai để đuổi theo Ngạn để rồi có được câu trả lời “vì Hà Lan…”. Một vòng lặp xoay quanh cả ba, tưởng chừng Trà Long sẽ là người thay đổi tất cả nhưng tiếc thay, Ngạn chỉ xem Trà Long là con gái của Hà Lan. Anh yêu Hà Lan nhưng chỉ có thể chăm sóc Trà Long. Nhận ra tình cảm của Trà Long cho mình, anh chọn phương án ra đi. Đó không phải một cuộc trốn chạy yếu hèn, mà là sự cao thượng, vì nếu tham lam chiếm giữ Trà Long, anh biết mình sẽ làm tổn thương cô gái bé bỏng khi chỉ được yêu như cái bóng của mẹ mình. Cách xử lý của Victor Vũ có phần khéo léo hơn truyện, khi chưa để đôi môi chạm vào môi, chưa để Ngạn phải quay cuồng hoảng loạn, nên trong nỗi đau vẫn long lanh niềm tin yêu thuần khiết.

 

Nếu là Hà Lan, liệu bạn có chọn Ngạn?

“Trong cuộc đời, có hai thứ tuyệt đối không được bỏ lỡ. Một là chuyến xe cuối cùng. Hai là người yêu thương mình thật lòng”.

Bộ phim kết thúc với hình ảnh Hà Lan chạy theo chuyến xe cuối cùng chở Ngạn ra đi (đây cũng là một sự thay đổi lớn so với truyện. Trong truyện, Hà Lan đã hờ hững lấy một người đàn ông khác làm chồng trước khi Trà Long ra trường sáu tháng).

Cảnh quay đã thành công với “ngôn ngữ điện ảnh” đầy ẩn dụ: trâm cài bay mất, mái tóc Hà Lan xõa tung trong gió, như cảnh đầu phim. Đó là lúc Hà Lan rũ bỏ trang sức lộng lẫy, rũ bỏ cay đắng mỏi mòn bao tháng năm, trở lại là cô gái với trái tim run rẩy thuở nào.

Nhưng không kịp…

Hà Lan đã bỏ lỡ không chỉ một mà cả hai điều quan trọng nhất: người yêu thương mình, và cả chuyến xe cuối cùng.

Hà Lan khóc bên đường ray

Ngạn khóc trên chuyến tàu

Và Trà Long hẳn cũng đang khóc trong ngôi làng vắng bóng người thương yêu.

Nhưng nếu là Hà Lan, bạn có chọn Ngạn? Hà Lan mê thành phố, cô mong một cuộc sống vật chất đầy đủ ấm no mà Ngạn lại chỉ muốn có một cuộc sống bình dị như ngày xưa, chìm đắm quá khứ. Sống với một người khác mình hoàn toàn ắt hẳn sẽ có những bất đồng, chẳng thể thoải mái được. Hơn nữa, ngày Hà Lan chờ đợi trao nụ hôn đầu cho Ngạn, cũng như muốn bày tỏ tình cảm của mình, Ngạn lại đánh mất cơ hội đó để rồi luyến tiếc cả một đời người. Hà Lan có lẽ hiểu, Ngạn yêu Hà Lan của làng Đo Đo, Hà Lan thuần khiết giản đơn. Khi Hà Lan vấp ngã, Ngạn vẫn thương, vẫn chăm sóc. Nhưng người Ngạn yêu là Hà Lan của quá khứ, không phải Hà Lan hiện tại. Nếu đến bên Ngạn, làm cách nào cô có thể bình yên?

Đơn giản là vì, trong tình yêu, cần lắm sự đồng điệu của hai tâm hồn. Nếu không, đành phải buồn một nỗi buồn thật dài, thật sâu, nhưng… thật đẹp.

Chẳng có gì đẹp bằng một niềm thương dang dở. “Nỗi buồn đẹp” ấy khiến “Mắt biếc” trở nên thành công. Vì con người cần lắm những nỗi buồn lung linh!

Reviewer: Trần Tuấn

(Chuyên Văn Phổ Thông Năng Khiếu, khóa 2019-2022)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *