Tháng 9 năm 2020, những người yêu văn học thiếu nhi Việt Nam có một dịp để tưởng nhớ về một nhà văn tài hoa của thế kỷ 20 – Nhà văn Tô Hoài- người có nhiều sáng tác hay dành cả thiếu nhi và người lớn, bởi ngày 27/9 năm nay là kỉ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài.
Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 , mất ngày 6 tháng 7 năm 2014. Quê nội ông ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai (Hà Tây) nhưng tác giả lại lớn lên ở quê ngoại – làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức (Hà Đông), nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Ông xuất thân trong một gia đình thợ thủ công nghèo, nên chỉ được học hết tiểu học và phải trải qua rất nhiều nghề trước khi đến với sự nghiệp viết văn. Ông bước chân vào nghề văn bằng một số bài thơ lãng mạn. Song văn xuôi mới thực sự là mảnh đất để ông có thể thỏa sức phát huy sở trường của mình là vốn sống phong phú, khả năng quan sát nhạy bén và văn phong dí dỏm, gần gũi. Các tác phẩm đầu tay của ông gồm: Nước lên (1940), Giăng thề (1941), Con dế mèn (1941), O chuột (1942). Trong đó, Con dế mèn, sau hoàn thiện thành Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm xuất sắc được cả người lớn và trẻ nhỏ say mê.
Sau Cách mạng, sáng tác của Tô Hoài ngày càng phong phú về đề tài và thể loại. Ông đặc biệt thành công ở đề tài miền núi với tập Truyện Tây Bắc, trong đó có truyện Vợ chồng A Phủ được đưa vào SGK trung học phổ thông.
Hơn 90 năm tuổi đời và hơn 70 năm tuổi nghề, Tô Hoài đã có khối lượng tác phẩm đáng nể với hơn 170 đầu sách. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra nước ngoài, trong đó, Dế Mèn phiêu lưu ký được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Nhiều trích đoạn trong tác phẩm được đưa vào sách Tiếng Việt cho trẻ em cấp 1 tập đọc, và sách Ngữ văn cho các bạn cấp 2 cảm thụ.
Sáng tác cho thiếu nhi là mảng Tô Hoài dành nhiều tâm huyết chăm chút. Sau Dế mèn phiêu lưu ký, ông còn viết truyện Vừ A Dính (1962), truyện Kim Đồng (1976), tiểu thuyết Đảo hoang (1980), tiểu thuyết Chuyện Nỏ thần (1984), tiểu thuyết Nhà Chử (1985), Và rất nhiều truyện đồng thoại được in trong Tuyển tập văn học thiếu nhi (gồm 2 tập xuất bản năm 1999).
Những năm gần đây, NXB Kim Đồng đã nhiều lần cho in lại tập truyện đồng thoại Tô Hoài với tranh minh họa của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn.
Tập truyện gồm 5 truyện ngắn: “Đám cưới chuột”, “Trê và cóc”. “Chuột thành phố”, “O chuột”, “Một cuộc bể dâu”.
Truyện “Đám cưới chuột” được tác giả Tô Hoài lấy chất liệu từ tranh dân gian Đông Hồ, với lời chú thích “Viết theo chuyện Tranh chuột ngày tết”.
Nhân vật chính của truyện là Chuột nhắt- một chú chuột bé nhỏ thường bị người lớn dè bỉu là bẩn thỉu, đuôi cụt, gian xảo… và không cho con cái chơi cùng. Ấy nhưng kỳ thực chú là một đứa trẻ ham học. Chuột Nhắt ta đã ăn và học ngay tại nhà thầy đồ. Hết lớp nọ lên lớp kia. Chú cố công dùi mài.
“Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần,
Mai anh học xa”
Tới khoa thi, Chuột Nhắt đứng vào hàng thứ ba, tên được ghi trên bảng vàng, khiến cha mẹ tự hào. Từ ấy, mọi người đều thay đổi thái độ, không ngớt lời gợi khen chú. Họ hàng nhà chuột dự định làm lễ rước Chuột nhắt vinh quy bái tổ. Thế nhưng ngặt nỗi trong làng có lão mèo tham lam độc ác. Khi lão Mèo hung tợn nghe tin vợ chồng Thử ông sắp rước vinh quy cho con trai thì lão khấp khởi mừng thầm. Thế nào nhà Chuột chẳng phải lễ lạt đút lót hậu hĩnh. Không có thì lão sẽ phá. Lão Mèo xăm xăm đi đến cửa hang nhà Chuột. Bấy giờ trong hang, cả nhà Chuột đang ăn uống và bàn bạc định ngày sang rước cậu cử Chuột Nhắt. Mèo ta cất giọng “meo” lên một tiếng rõ to như tiếng tù và rúc. Trong hang im thin thít ngay. Họ hàng nhà chuột đành phải xin mèo nhận lễ vật mà để yên cho họ chuột rước Chuột nhắt vinh quy.
Chiều hôm ấy, nhà Chuột đem lễ vật thịnh soạn sang dâng ông Mèo. Có thế ông mới để cho đám rước được yên ổn. Đám đi dâng lễ ông Mèo cũng trịnh trọng như một đám rước, có tranh vẽ để lại đời sau ai cũng biết: “Một anh Chuột đi đầu, thổi kèn. Một anh đeo cái trống cà rùng. Vừa bước đi, chốc chốc lại múa hai tay lên mà gõ trống nhịp nhàng. Một anh nữa xách khệ nệ hai con cá săn sắt lớn. Rồi mới đến một ông đứng tuổi, ria mép dài ngạnh trê, mặc áo the thâm, quần lụa điều đi sau cùng.”
Mèo đã nhận lễ vật, ấy vậy mà vào ngày làm lễ rước vinh quy của quan cử tân khoa, đám rước đang trịnh trọng, trang nghiêm là thế, mèo ta bỗng vui miệng ngao lên một tiếng.
– Meo! Meo! Meo!
Ôi chao! Tiếng lão Mèo quát. Những đám đông đứng xem, rú lên chạy tán loạn. Anh vác loa chạy trước nhất. Mấy thằng cầm cờ cũng quẳng cờ mà chạy. Và có mấy tên rước biển “Vinh Quy” đều ù té chuồn.
Mãi cho đến xế trưa, mới có mấy anh Chuột mon men, nhớn nhác, từ trong xóm bò ra. Rồi thì một đám nữa nối đuôi nhau đi đến. Và họ hàng lại lặng lẽ rồi rộn ràng đi làm đám rước. Ai vào việc nấy. Lại loa. Lại cờ. Lại biển. Lại trống cái và trống cà rùng. Nhưng đến khi xúm vào dựng kiệu lên thì thấy cậu cử tân khoa méo mó, nhăn nhó mặt mõm, cho đến lúc ấy vẫn không thể ngồi dậy được. Bởi vì lúc cái kiệu đổ, chú sái một khớp xương chân, ngoẹo hẳn đi, không thể ngồi và đi được. Thế là chú đành nằm trong kiệu cho khiêng về nhà. Từ ngày ấy, cái chân sai khớp của cậu Chuột Nhắt, chữa thế nào cũng không khỏi. Chuột Nhắt thành tật, một chân sau bước thậm thọt.
Rồi Thử ông và Thử bà nghĩ đến chuyện cưới vợ cho Chuột nhắt. Thuở ấy, một ông viên ngoại Chuột Chù nhà ở hang ngoài bờ sông, có cô con gái xinh nhưng kiêu ngạo. Cả 2 cha con đều kén chọn nên mãi cô chưa kén được chồng. Chuột Nhắt đến thử tài, nhận được câu hỏi của ông viên ngoại:
“Mặt em phương trượng chữ điền
Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài
Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa, có lời hiếu trung
Dù khi quân tử có dùng
Thì em sẽ ngỏ tấm lòng cho xem.”
Hỏi là cái gì?
Chuột nhắt đã đoán đúng là cuốn sách. Cha con Viên ngoại vừa ý lắm, đã định ngày cưới xin.
Thế nhưng rồi lại có đứa mách lại với ông Viên ngoại chuyện chuột nhắt bị thọt chân, thế là cha con tiểu thư chuột khước từ đám cưới hẳn.
Sau chuyện lấy vợ hụt, Chuột nhắt đâm ra oán hận ông viên ngoại. Tai họa lại ập đến khi lão mèo nghe phong thanh chuyện Chuột nhắt lấy vợ, lại đến nhà chuột hạnh họe vòi vĩnh, thò chân quào một phát khiến Thử bà tắt thở. Sau sự kiện ấy, Chuột nhắt càng đổ vấy tội lên đầu cha con Viên ngoại.
Một ngày kia, Chuột Nhắt nghe người ta đồn rằng ở bên kia cánh đồng có ông Chuột Cống là một tay lão luyện giang hồ. Ông ta có nghĩa khí, có chí làm việc lớn. Ông lại võ nghệ cao cường. Ông giao du với nhiều bè bạn bốn phương thiên hạ. Chuột Nhắt lần mò đến hang Chuột Cống xin vào yết kiến. Chuột Nhắt kể lể việc đau đớn nhà mình lẫn mối thâm thù với lão viên ngoại: “Giá tôi có thể chết mà giết được lão, tôi cũng xin chết.”
Chuột Cống nghe xong chuyện đã khuyên nhủ:
– Đầu tiên, anh vinh quy ỏm tỏi, đó là một sự huyênh hoang vô ích. Về sau, anh lại hí hửng muốn lấy vợ. Chao ôi! Làm như ở trên đời này, một thanh niên chưa có vợ, chẳng thể sống được hay sao? Phải lập thân trước đã chứ! Anh nên quên cái lão viên ngoại tráo trở, cái cô Chuột Chù đỏng đảnh kia đi. Đừng bao giờ nghĩ rằng họ đã làm hại nhà anh. Đã nghĩ thì phải suy lên tận ngọn. Anh phải tự hỏi anh rằng bởi đâu mà chân anh thọt, bởi đâu mà mẹ anh chết. Bởi đâu mà họ nhà Thử chúng ta phải khổ sở đến thế này? Chỉ bởi tại thằng Mèo. Phải đánh đổ cho kì được thằng Mèo.”
Chuột Nhắt hiểu ra sự tình. Từ đấy, có một lý tưởng để theo, một nghĩa vụ để làm mà không ngừng phấn đấu.
Truyện đồng thoại là một thể loại văn học dành cho thiếu nhi, lấy loài vật làm nhân vật chính. Theo Tô Hoài, Nhân vật trong truyện đồng thoại được nhân cách hóa trên cơ sở đảm bảo “không thoát li sinh hoạt thật có của loài vật”, đồng thời không xa rời cái nhìn theo thói quen của các em”. Hình thức nhân hóa loài vật này đem lại cho thể loại khả năng diễn tả những vấn đề của đời sống một cách hình tượng, ý vị. Truyện đồng thoại thú vị ở chỗ vừa có chất hiện thực, vừa được nâng đỡ bằng đôi cánh tưởng tượng kỳ ảo.
Thông qua những câu chuyện này, Tô Hoài muốn gửi gắm đến các bạn nhỏ thú vui thả trí tưởng tượng bay bổng. Nhà văn từng nói: “Không phải chỉ có các em nhỏ mới coi là tự nhiên việc cái ghế biết nói, con bê đánh bạn với người, mà với người đọc, người xem nói chung, khi nghệ thuật đã đạt tới trình độ khắc hoạ được nội dung và tâm trạng thì cái ghế cười khanh khách, con mèo thủ thỉ trò chuyện, ông trăng biết nói cũng gợi nhiều điều nghĩ ngợi đúng đắn sâu xa cho bất cứ ai.”
Câu chuyện về Chuột nhắt gửi gắm đến trẻ thơ nhiều bài học sâu sắc:
Chuột Nhắt từ chỗ sinh ra không cao to xinh đẹp, bị người ta khinh khi, nhưng bằng nỗ lực học tập, đã khẳng định được bản thân, khiến mọi người từ khinh ghét chuyển sang tôn trọng, đó là bài học về sự nỗ lực.
Chuột Nhắt từ chỗ oán hận Viên ngoại chuột chù đến chỗ nhận ra kẻ thù thực sự là loài mèo, đó là bài học về việc cần sáng suốt mà nhận ra đâu mới là căn nguyên mọi sự việc, để đừng ghét nhầm người.
Họ nhà chuột dẫu có lo lót cho lão mèo, vẫn không tránh khỏi tai họa. Đó là lời nhắc nhở cho chúng ta phải khôn ngoan khi đối đầu với kẻ ác, đừng lo lót, nịnh nọt rồi cũng uổng công.
Chuyện về loài vật đó, mà phảng phất hơi thở cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Không chỉ giàu ý nghĩa nhân sinh, truyện còn hấp dẫn bởi lối kể hóm hỉnh và chất liệu dân gian đậm đà. Từ bức tranh Đông Hồ đám cưới chuột gợi cảm hứng, đến những bài ca dao trữ tình, ca dao hài hước, câu đố dân gian… Tất cả vun bồi cho trẻ thơ niềm say mê văn hóa dân tộc.
Giữa thế kỷ XXI, thật thú vị khi được cầm trên tay cuốn sách của Tô Hoài kể chuyện “ngày xửa ngày xưa” qua một bức tranh Đông Hồ. Một trăm năm ngày sinh tô Hoài, hay mấy trăm năm nữa, hy vọng những câu chuyện này vẫn được neo giữ trong thế giới tuổi thơ…
Thanh Tâm (Ô cửa sách)