TẤM VÀ HOÀNG HẬU

Tấm Cám là một truyện cổ tích đi chệch khỏi thi pháp thể loại. Truyện cổ tích có công thức quen thuộc là sự phân chia nhân vật thành hai tuyến thiện ác. Người thiện sẽ mãi thiện, người ác ngày càng ác hơn, và rồi trong trận chiến thiện- ác, cái thiện luôn thắng, đó là một niềm tin bất biến. Chiến thắng của cái thiện đem lại niềm vui và sự thỏa mãn, đem lại những bài học đạo lý nổi bần bật trên bề mặt văn bản, không bắt người ta phải ngụp lặn sau câu chữ mà nghĩ suy, mà day dứt. Tấm Cám thì khác, nàng Tấm đã thay đổi tính cách từng ngày, từ ngây thơ, yếu mềm, mong manh sang mạnh mẽ, bền bỉ. Và cuối cùng, nàng bị cái ác đồng hóa. Tấm ác đến nỗi các nhà soạn sách giáo khoa phải đưa cho học trò một dị bản hiền lành hơn để khỏi làm tổn thương những trái tim non nớt. Nhưng cái gì càng giấu thì càng gợi tò mò. Sự thực vẫn là Tấm đã giết người em mang một nửa dòng máu giống mình. Rồi sau đó thì sao? Trái tim trong trắng sau giây phút bị hận thù nhuộm bẩn, liệu có còn đập nhịp đập yêu thương hạnh phúc và bình yên hay không? Cái Thiện sẽ thế nào trong trận chiến không cân sức với cái ác? Cho nên, Tấm Cám mang dáng dấp của một tiểu thuyết, đầy hơi thở cuộc đời, đau đớn, nhưng hiện thực, buộc người ta phải nhỏ lệ khóc cho sự mong manh của cái thiện.
Nhà văn Nhật Chiêu đã khóc cùng Bụt:
Lóc thịt Cám làm mắm xong, Tấm chợt nhìn thấy Bụt, bèn hỏi: “Tại sao Bụt dám khóc trước mặt ta?”
(Tấm khóc, Bụt hiện ra.)
Và sau đó, nhà biên kịch trẻ Tấn Phát đã khóc cùng Cám, cùng Nhà vua, cùng quá vãng dịu dàng trong trẻo của nàng Tấm ngày xưa, cũng là khóc cho cuộc đời, cho tuổi thơ hồn nhiên không cách gì níu giữ, cho những tâm hồn trong trẻo không sao chống chọi nổi sự ích kỷ, đam mê quyền lực- cái phần ác trong mỗi con người.
Tôi đã xem “Tấm và Hoàng hậu” ba lần, mỗi lần cách nhau một năm, trước khi được cầm trên tay kịch bản sân khấu mà Nguyễn Phát vừa xuất bản, sau khi đã chăm chút, sửa chữa nhiều lần qua mỗi đêm sân khấu sáng đèn.
Lần đầu tiên tôi xem ở sân khấu nhỏ của đội kịch CKT trường Nhân Văn, khi ấy đội kịch mới ra đời, và đây cũng là một trong những vở diễn đầu tiên của đội kịch. Sân khấu được quây giản dị trong một phòng học. Nhưng bộ xương chắc chắn của vở diễn đã thành hình. Các bạn trẻ không dựng lại những gì đã có trong cổ tích, mà chủ yếu khai thác giai đoạn sau khi Tấm đã trở thành hoàng hậu. Điều gì đã diễn ra trong nàng, đến mức nàng ra tay giết Cám, và giết cả bản ngã dịu dàng nguyên sơ của chính mình?
Lần thứ hai là ở hội trường trường Nhân Văn, sau đó khoảng một năm. Vở diễn đã được trau chuốt hơn. Nhưng tôi vẫn chưa hài lòng vì phần đầu còn khá nhiều lời thoại “chọc cười” khán giả, chưa đủ sâu.
Lần thứ ba trên sân khấu chuyên nghiệp- sân khấu Hồng Hạc. Vở diễn đã mang một dáng dấp khác hẳn. Điều khác hẳn với các vở diễn Tấm Cám xưa nay, là cái ác được gắp khỏi tay Cám, chỉ cháy bùng trên tay dì ghẻ. Nguyễn Phát xây dựng một kịch bản giàu chất nhân văn, trong đó cô Cám ngây thơ tuy ham chơi nhưng không độc ác, cũng là một nhân vật đáng thương vì trở thành con rối trong tay mẹ, càng đáng thương hơn vì những ngày trong cung cấm tuyệt đối phải trở thành cái bóng nhạt nhòa, chăm sóc hậu cung chu đáo là thế, mà không hề nhận được ân sủng của nhà vua, đến lúc chị trở về thì bị chị ghen ghét vì nghe lời bóng gió dèm pha, lại sống trong ân hận day dứt. Những hình ảnh tuổi thơ Tấm Cám thật khác cổ tích, lấp lánh ánh sáng yêu thương của chị Tấm dịu dàng bao dung, em Cám trẻ con hời hợt.
Sau nhiều năm, “Tấm và Hoàng hậu” như một bức tranh được họa sĩ hoàn thiện mỗi ngày. Hành trình của vở diễn là hành trình trưởng thành của chàng nghệ sĩ Nguyễn Phát giàu trăn trở với cuộc đời và với nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp đại học, đi du học một thời gian, chàng trai trẻ lại trở về cùng đội kịch, viết tiếp những vở mới, và trau chuốt cho vở cũ thêm hoàn thiện.
Tập kịch bản “Tấm và Hoàng hậu” do Nguyễn Phát biên kịch vừa được Nhà xuất bản Văn hóa- văn nghệ TpHCM ấn hành vượt lên trên khuôn khổ một kịch bản với những chỉ dẫn sân khấu và lời thoại, mà còn là một văn bản văn học đẫm chất thơ.
Phần đầu tác phẩm, khi Tấm chưa là hoàng hậu, cuộc gặp gỡ của những người trẻ hồn nhiên khiến người ta mỉm cười hạnh phúc. Đồng dao bàng bạc, tình chị em ấm áp, tình yêu mới đơm hoa khiến trái tim phập phồng, người đọc uống mật ngọt bình yên:
“Con cò núp bụi tre xanh
Chờ con cá đến như anh chờ nàng
Con cò núp bụi lúa vàng
Chờ con cá đến như nàng chờ anh.”
Rồi sóng gió bể dâu, năm lần bảy lượt đổi kiếp thay hình, Tấm tở về đoàn tụ cùng Hoàng thượng:
“Nu na nu nống
Thiếu nữ muốn chồng
Cái ong muốn vợ
Mở hội thi đình
Chân ai gót đỏ
Đua chen ướm hài
Yến anh tranh tài
Phất cờ gióng trống
Nu na nu nống
Sóng gió bể dâu
Nước chảy qua cầu
Bụt ngồi Bụt khóc
Mớ tóc lời thề
Tay kề chân rụt
Đứng nhớ ngồi thương
Ai người đánh trống.”
Rồi chẳng còn thơ nữa, Tấm bị ghen tuông hận thù hủy hoại, Hoàng Thượng mất đi người con gái mình thương, vì nàng hoàng hậu kia đâu còn là cô gái trong trẻo chàng yêu, Cám chết, tình yêu chết, Tấm chết, còn chăng đó là Hoàng hậu, phải đâu là nàng Tấm hiền! Mà Vàng Anh… Vàng Anh vẫn trở về chui vào tay áo Hoàng thượng. Vàng Anh thành người Hoàng thượng thương yêu, vì Vàng Anh mang khuôn mặt nàng Tấm hiền thuở xưa. Vàng Anh nào có làm gì: “Người hành động nhiều nhất, có chăng, chính là Hoàng hậu.” Vì hành động trong hận thù, Hoàng hậu đánh mất tất cả.
Nhưng may thay, còn đó, đôi hài xưa, còn đó tình yêu thương đến thành nỗi xót xa của Bụt.
Còn đó, kỉ niệm về tuổi ấu thơ chị em vua đùa, người chị dịu dàng tha thứ cho sự chểnh mảng của đứa em ham chơi, kéo nó vào lòng chải tóc. Còn đó, ký ức tình yêu trong trẻo khi chưa vướng quyền lực chốn hậu cung.
Nên Nguyễn Phát mở ra cho Tấm một con đường.
Nàng cởi tấm áo hoàng hậu:
“Tôi là Tấm
Tôi là TẤM”
Cuối con đường, tìm thấy mình, được sống đúng với mình, đó là cái kết đẹp cho Tấm, và chắc chắn, là cái kết đẹp hơn cổ tích. Nó đẹp hơn bởi vì trong cổ tích Tấm Cám, cái thiện đã bị bóp chết trong tay cái ác. Còn trong kịch bản Tấm và Hoàng hậu, cuộc đời độc ác có thể khiến đôi khi cái thiện phải cúi đầu, nhưng cuối cùng, những ký ức thiện lành vẫn là nơi cái thiện náu mình, gọi ta về lánh xa cái ác. Còn kỷ niệm đẹp, ấy là còn con đường tìm về với chính ta.

Reviewer: Thanh Tâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *