NẾU BIẾT TRĂM NĂM LÀ HỮU HẠN…

“Bạn biết đấy, mọi câu chuyện đều có hồi kết,    ngay cả khi chúng tưởng chừng là một hành trình kéo dài mãi mãi.”

 

Gửi ngày 13 tháng 2,

Mai là ngày lễ Tình Nhân, hẳn sẽ có rất nhiều đôi lứa dắt tay nhau đi chơi và ôn lại những kỷ niệm, nhưng hẳn cũng có những ca còn “tạm thời cô đơn” khi ngày đến rồi nhưng bàn tay vẫn chưa ai nắm lấy. Có những cặp yêu xa về được bên cạnh, nhưng cũng có những cặp thì không, có những cặp đi bên nhau bấy lâu nhưng cũng không được bên cạnh ngày này, chỉ biết vui thay cho người khác. Dẫu thế nào đi nữa thì bạn ơi, cũng đừng nghĩ ngợi, dù đơn phương hay song phương thì đó vẫn là tình. Và rồi khi cuối ngày đến, “niềm hạnh phúc sâu xa và trọn vẹn nhất mà khi chúng ta cảm nhận được trong tình yêu, không phải khi ta nhận ra rằng mình được yêu mà là khi ta nhận ra rằng mình yêu.

“Bởi vì yêu chính là đã nhận.”

(trích “Nếu biết trăm năm là hữu hạn…”)

 “Nếu biết trăm năm là hữu hạn…”

Đọc lần thứ nhất năm tôi lớp tám. Mãi đến năm lớp chín tôi mới đọc lại, câu chữ in trên trang giấy vẫn vậy nhưng nó là hai cuốn sách khác nhau. Năm đầu tiên của cấp ba, bạn mới, trường mới, chữ in trang giấy vẫn vậy như hai năm trước đó nhưng tôi vẫn đọc lại. Năm nay, thế là hết nửa đoạn đường cấp 3 rồi, biết mất mát, biết trân trọng rồi, biết mùi yêu thế nào rồi nhưng cuốn sách vẫn không hề cũ đi hay nhàm chán trong suốt ngần ấy thời gian và có lẽ năm sau, năm tới, năm tới nữa nó cũng mới, chỉ có lòng người là thay đổi, trưởng thành hơn.

 Những rắc rối của trái tim.

Bạn có từng yêu khi còn thời mài đũng quần trên ghế nhà trường không? Hay yêu xa, yêu đơn phương, song phương… chẳng hạn. Tôi cá là ai rồi cũng có ít nhất một lần yêu ai đó, cho dù là yêu thầm hay đã nói ra thì tuổi trẻ là nơi dễ dàng đem đến cho ta một tình yêu ngọt ngào nhất nhưng đôi khi cũng là đau đớn nhất. Cuốn sách là một điểm tựa cho những ai muốn khám phá nhiều hơn về tình yêu không chỉ ở giai đoạn thanh xuân mà còn kéo dài đến những chủ đề như hôn nhân và gia đình với những tựa bài viết như “Như chờ tình đến rồi hãy yêu”, “Hãy nói yêu thôi đừng nói yêu mãi mãi”, “Bởi vì yêu chính là đã nhận”,…

 

     Bốn điều khiến bạn đọc ngất ngây.

Điểm sơ qua cách bài trí của quyển sách, bạn sẽ nhận thấy một phong cách rõ ràng và đồng bộ từ trước ra sau với mỗi bài viết đi kèm với một cái tên không thể chê vào đâu được.

Không chỉ dừng lại ở đó, dung lượng bài viết cũng không quá dài cho một lần đọc, bạn dù bận rộn đến đâu cũng có thể đọc nốt ít nhất một bài viết mà không cần phải lo lắng chuyện bỏ dở.

Tiếp đến là cách mà vị tác giả kết thúc một bài viết. Nó không chỉ đơn thuần là để lại một câu kết vội vàng để sang bài viết mới mà nó còn là câu kết mở khiến độc giả sẽ là người quyết định có viết tiếp từ đó hay không.

Và cuối cùng là phần phụ lục, khi mà tác giả là hai vợ chồng Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Công Luận sẽ lần lượt trả lời những thắc mắc từ độc giả cũng như bàn về một số vấn đề khác mà trong phần bài viết không bao quát hết, từ đó đưa ra những lời chia sẻ thiết thực nhất và những lời khuyên chân thành nhất gửi đến bạn đọc.

 

      Một cuốn sách gối đầu tuổi trẻ.

Hơn ai hết, tôi nghĩ, độc giả trẻ sẽ dễ dàng tìm thấy chính mình trong những bài viết ấy bởi lẽ trong số 44 bài viết xoay quanh muôn vàn vấn đề trong cuộc sống, đôi lúc sẽ có những mẩu chuyện chỉ nằm ở đoạn đường thanh xuân này. Tuy nhiên, sẽ có những bài đi theo bạn đến chương cuối của cuộc đời và cũng có những bài có thể xảy đến bất cứ lúc nào bất kể bạn là ai, bao nhiêu tuổi đi chăng nữa.

Nếu bạn biết cuộc đời này ngắn ngủi, bạn sẽ làm gì cho hôm nay? không ai có thể trả lời giúp bạn, cuốn sách cũng chỉ đóng vai trò chỉ ra những vấn đề bạn có thể phải đối mặt, cũng có thể không, nhưng quan trọng là phòng khi chúng có xảy đến, bạn cũng đã được chuẩn bị phần nào và biết được câu trả lời phù hợp với bản thân. Tuổi trẻ là tuổi mà có lẽ sẽ phải trải nghiệm rất nhiều điều, biết thêm rất nhiều thứ nhưng có những lúc ta không sẵn sàng nói ra những điều mình nghĩ hay tâm sự với ai đó về những nỗi niềm riêng tư. Đó là những lúc ta cần gia đình, một tình bạn thân hay một tình yêu nhỏ chỉ để được thấu hiểu và cảm thông. Nhưng sự thật chẳng hề đơn giản như vậy, ta cần một điều gì đó thầm kín hơn và đôi khi ta chỉ cần đọc, đọc cho riêng ta, đọc những câu chuyện của người khác để rồi thấy chính mình trong đó. Đọc tâm sự của họ và lắng nghe những lời khuyên rồi học cách mở lòng mình hơn với gia đình, bạn bè và ngay cả trong chuyện tình cảm. Một số bài viết như: “Ai qua là bao chốn xa…”, “Ta sẽ làm chi đời ta”, “Dư vị từ những tình bạn nhạt nhòa”, “Dẫu sao cũng đừng sợ hãi con người”,… sẽ mang đến cho bạn không chỉ là những lời khuyên hữu ích mà còn để bạn nhận ra rằng  mình không cô đơn.

Hành trình của lắm những chênh vênh.

Trong một bài đăng của tôi nói về tuổi 25 chênh vênh mà nguồn cảm hứng đi từ chính cuốn sách này nói về hành trình ta qua để trưởng thành với nỗi băn khoăn “liệu ta đã sẵn sàng chưa, bây giờ hay mười năm nữa thì cũng có sẵn sàng chưa?”, có viết:

“Tuổi là thước đo con người ta vô hình chung gán cho nhau dựa trên điểm khởi đầu của cuộc sống. Nhưng tôi thích cách mà Phạm Lữ Ân trong cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” nhắc đến “tuổi của trái tim”. Phải, mặc cho thể xác có như thế nào chăng nữa thì trái tim ta là chiếc đồng hồ xác định mốc trưởng thành. Lầm tưởng, mù quáng, ương ngạnh, bốc đồng dường như là cụm từ người ta thường dùng để chỉ tuổi trẻ ở mặt tiêu cực. Khi mà “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép” là slogan để biện minh. Khi mà những phút lầm lỡ tưởng chừng là dấu chấm hết chỉ vỏn vẹn là ký ức thuở thanh xuân hiện về lúc tuổi xế chiều. 10 năm có thể qua đi dài dằng dẵng nhưng cũng có thể là chốc lát được nhận vào công việc rồi làm, làm nhiều hơn nữa, quên mất cả tháng ngày trôi qua. 10 năm là thước đo dài, đủ để một người thay đổi cả chiều cao và chiều sâu của mình…”

Mười năm đã thế, trăm năm ắt còn dài hơn nữa, bạn đã sẵn sàng hay chưa?

Tựa: Nếu biết trăm năm là hữu hạn…

Tác giả: Phạm Lữ Ân

Reviewer: Văn Thanh (PTNK 18-21)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *