HÀ NỘI BĂM SÁU PHỐ PHƯỜNG

Viết những dòng này, bỗng tôi chợt nhớ mấy câu ca dao từ rất xưa về phố phường Hà Nội: “Rủ nhau chơi khắp Long Thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai”. Là một chàng trai Hà thành, cố nhiên từ lâu tôi vẫn cứ thắc mắc vì sao lại có cái danh hiệu “ba mươi sáu phố phường” ấy. Và phải chăng, Thạch Lam – một thành viên Tự lực Văn đoàn, một người văn nhân giàu cốt cách nhân văn, như cách anh đã sẻ chia với cảnh nghèo khổ, tối tăm của An, Liên và những con người phố huyện trong “Hai đứa trẻ” – cũng đã làm một “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố” như trong câu hát đi cùng năm tháng của bản “Em ơi Hà Nội phố” với giọng hát dạt dào cảm xúc của Bằng Kiều như thế.

Vì hẳn rằng phải như vậy, anh mới có thể có được những trang viết giàu cảm xúc như thế, về những điều tưởng rất đỗi thường tình, thân thuộc. Từng cách thưởng thức món ăn, từng thức quà, từng cái chăm chút trong cách chế biến, từng góc nhỏ của mảnh đất “có Hồ Gươm nước xanh như pha mực” đều được anh lột tả, ở một mức độ trìu mến, tỉ mỉ, kỳ công mà chỉ một chất văn trữ tình bậc thầy, một người trai Hà thành mới thấu đạt hết được. Có những điều bí ẩn, những góc khuất, như tại sao những thức quà Hà Nội “chỉ ngon ở Hà Nội”, “cũng thứ bún ấy, cũng thức chả ấy, nhưng chỉ ở Hà Nội mới ngon”… những điều đó anh để mặc cho những cảm nhận tinh tế hết mực của mình lên tiếng. “Cốm không phải thức quà của người vội…” những dòng như thế chẳng phải do một cây bút tài hoa, một trái tim yêu sâu sắc đất Hà thành, viết nên đó sao?

Những cái đẹp ấy nay đã thành hoài niệm – một hoài niệm đẹp nhưng không thể tìm lại của Hà Nội những năm 40 thế kỷ trước. Nhưng trong những cái không thể lấy lại ấy, vẫn còn những bài học có thể rút ra cho muôn đời, để giữ mãi một Hà Nội ngàn năm văn hiến. Thí dụ như việc mắc đèn cho chùa Ngọc Sơn để soi cho khách đi lễ. Đáng lẽ chỉ cần mắc những chiếc đèn nho nhỏ sau cổng chùa thì lại mắc cả ‘một chùm đèn trên dây sắt, treo trên cái khung đề ba chữ ‘Ngọc Sơn Tự’ cũng bằng sắt…” Cái đó theo anh là mất mỹ quan, là “làm giảm cái vẻ tinh tế của đền” đi nhiều, nên cần có một “uỷ ban” đảm nhiệm việc dọn dẹp cái dây đèn ấy. Rồi cả chuyện những cái biển hiệu cố gắng đề một vài từ tiếng Pháp kệch cỡm của những cửa hiệu trên phố cổ… Và biết bao điều tinh tế, ý nhị tương tự như vậy.

Qua đó, ta mới thấy rằng, Thạch Lam dành cho Hà Nội một tình yêu trìu mến, nghiêm khắc, tựa như một nhà phê bình nghệ thuật có hạng đứng trước một tác phẩm bậc thầy, chủ yếu là thưởng ngoạn nhưng kèm đó cũng là những yêu cầu để làm cho Hà thành mà anh yêu mến càng hoàn thiện hơn, văn hiến hơn. Tình yêu ấy sẽ còn chạm tới trái tim của nhiều người trai Hà thành, và những con người khác nữa, ở những vùng đất khác nữa, thời đại khác nữa… bởi nó đi kèm những bài học để lại cho muôn đời, về cách bảo tồn những truyền thống vô cùng đáng quý của bất kỳ mảnh đất nào. Bởi nó chính là tình yêu vô cùng lớn lao sẵn có trong mỗi người, dành cho quê hương, Tổ quốc…

Người viết: Thế Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *