Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên sinh năm 1979 tại Khánh Hòa, lớn lên tại Ninh Thuận.
Anh bén duyên với mảnh đất Đà Lạt khi theo học ngành Sư phạm Ngữ văn- trường Đại học Đà Lạt khóa 1997 – 2001.
Sau khi tốt nghiệp, anh về Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, và tới nay vẫn là một “lữ khách” lui tới Đà Lạt để nghiên cứu và để viết.
Anh là tác giả nhiều cuốn sách về Đà Lạt, thuộc đủ mọi thể loại:
– Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách (tản văn, 2014)
– Đà Lạt, một thời hương xa (du khảo, 2016)
– Đà Lạt, bên dưới sương mù (biên khảo, 2019)
– Ký ức của ký ức (tiểu thuyết, 2019)
– Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ (biên khảo, 2020)
Ngoài ra, Đà Lạt còn in bóng trong những trang viết khác của anh như trong “Những thành phố trôi dạt” (tập truyện ngắn, 2017)
Và năm nay, anh sẽ đến với chúng ta qua tác phẩm mới “Thành phố những lục địa bay”.
1. Tập sách “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” là tập hợp các tản văn, ghi chép về một Đà Lạt “trên đường” và trong ký ức. Tập sách mỏng tái hiện một cách thành thực chân dung tâm hồn Nguyễn Vĩnh Nguyên: một chàng sinh viên văn chương trải qua những năm tháng mải mê sống, đọc, ngắm nhìn và suy tưởng ở mảnh đất Đà Lạt. Đà Lạt với anh là ấp Ánh Sáng – nơi có căn nhà người bạn thân, có bà mẹ bao dung rang lạc cho những chàng sinh viên nghèo thâu đêm uống rượu bàn chuyện triết, chuyện văn. Đà Lạt là căn gác áp mái khu tập thể cũ dành cho nhà báo anh từng tá túc thời mới thực tập, căn gác có một cửa sổ trên mái ngói phủ rêu xỉn màu, không gian ẩm ướt trong những ngày mưa gió dai dẳng. Căn gác là nơi anh nghe nhạc Lê Uyên Phương, gò lưng trên cái rương gỗ cũ viết những bài thơ tình. Cũng căn gác ấy là nơi anh cay đắng xếp lại giấc mơ được làm việc và được sống như một người Đà Lạt, để từ đó chỉ còn là lữ khách của thành phố này.
Lữ khách ấy vẫn bao năm quanh quẩn đi về, chẳng thể nào “trục xuất Đà Lạt khỏi đầu”. Lữ khách vẫn gắn bó với quán café Tùng, vẫn kiếm tìm, gặp gỡ những con người mang dấu ấn Đà Lạt. Lữ khách tái hiện chân dung của họ vào trang văn: những người “khùng” ở Đà Lạt như bà chủ quán Cung Tơ Chiều, nhiếp ảnh gia MPK, kiến trúc sư Nhà trăm mái Lữ Trúc Phương… ; hay những người yêu Đà Lạt tha thiết như ca sĩ Lê Uyên, như chủ quán café Tùng…
Lữ khách Nguyễn Vĩnh Nguyên còn đưa ta đến những không gian như tháp chuông hoang phế, giảng đường, quán tứ chiếng, đường hoa trạng nguyên hay những con đường đẫm sương đêm… Ở đó, ta bắt gặp “một Đà Lạt để F5”.
“Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” là tập tản văn nhẹ nhàng, có lẽ là tác phẩm dễ đọc nhất về Đà Lạt, dành cho bất cứ độc giả nào muốn tìm một làn hơi dịu mát của thành phố mù sương để làm mới tâm hồn. Có lẽ đó là lý do mà từ đó đến nay, sách đã được tái bản rất nhiều lần.
2. Bộ ba du khảo và biên khảo “Đà Lạt, một thời hương xa” (2016), Đà Lạt, bên dưới sương mù (2019), Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ ( 2020)
Nếu “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” là một chuyến lãng du nhẹ nhàng miền chữ nghĩa, thì bộ ba du khảo và biên khảo này thực sự là cuộc dấn thân nghiêm túc đầy khổ nhọc vào con đường nghiên cứu lịch sử, văn hóa và kiến trúc đô thị Đà Lạt theo hướng vi lịch sử (micro-history). Bộ ba tác phẩm này là kết quả của những khoảng thời gian dài miệt mài tìm đọc và xâu chuỗi những tư liệu rời rạc tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II (Tp.HCM), Trung tâm lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt), báo chí và sách miền Nam trước 1975, các công trình địa chí địa phương Đà Lạt, Lâm Đồng, nhiều sách báo trong và ngoài nước, đặc biệt là cả những cuộc gặp gỡ, phỏng vấn các nhân vật, nhân chứng.
Trong bộ ba tác phẩm này, Nguyễn Vĩnh Nguyên không phải một nhà văn, mà là một nhà khảo cứu, tiết chế những cảm xúc cá nhân, tuân thủ các nguyên tắc và phương pháp để đi đến những khám phá và sự nghiêm cẩn trong học thuật.
“Đà Lạt, một thời hương xa” (2016) là tập du khảo phác họa diện mạo văn hóa Đà Lạt 1954-1975. Qua tác phẩm này, Nguyễn Vĩnh Nguyên tái hiện hàng loạt chân dung nhân sĩ, trí thức, nghệ sĩ đã từng chọn Đà Lạt là nơi làm việc hoặc là nơi nương náu, nơi phụng sự hoặc là tìm cảm hứng sáng tạo trong giai đoạn 1954-1975:
Về chính trị, có nhà văn – chính trị gia Nhất Linh, Phu nhân Trần Lệ Xuân
Về nghệ thuật, có họa sĩ Trịnh Cung, Đinh Cường; nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9, Trịnh Công Sơn, Hoàng Nguyên, Từ Công Phụng, Lam Phương, Đức Huy; vợ chồng nhạc sĩ – ca sĩ Lê Uyên – Phương; ca sĩ Khánh Ly, Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc; Nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông…
Về thi ca, ngôn ngữ, có Phạm Công Thiện, Nguyễn Bạt Tụy v.v.
Thật khó có thể ngờ được rằng hầu hết những tên tuổi chói sáng trong nền văn nghệ miền Nam trước 1975 đều có liên quan đến mảnh đất này. Cuốn du khảo hé lộ vai trò Đà Lạt như một khung trời sáng tạo cho giới nghệ sĩ; làm nên một thời kỳ rực rỡ.
Về không gian học thuật, nghiên cứu, tác giả tìm lại thiên đường của những kho sách trong thành phố trước 1975 hay chuyện tự do học thuật, tự do tư tưởng và tự do biểu đạt ở Viện Đại học Đà Lạt.
Cuốn sách là một chuyến du hành thời gian về một vùng không gian đã mất, âm vang giai điệu u hoài của một thuở vàng son. Từ trong nỗi tiếc nuối, u hoài về ngày hôm qua là sự nhắc nhở về vai trò của Đà Lạt: một đô thị giáo dục, một thành phố nghệ thuật, một tập hợp kiến trúc độc đáo, một “miền hương xa” mang dấu ấn đô thị phương Tây mà chúng ta cần khôi phục và giữ gìn.
“Đà Lạt, bên dưới sương mù” (2019) là biên khảo về Đà Lạt trong khoảng thời gian rộng hơn “Đà Lạt, một thời hương xa” một chút. Chọn mốc thời gian 1950 – 1975, từ “Hoàng triều cương thổ” đến việc thiết kế một trung tâm văn hóa, giáo dục, một thành phố đại học trong thời Đệ nhất, Đệ nhị cộng hòa.
Nếu như “Đà Lạt, một thời hương xa” khai thác góc độ văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, thì “Đà Lạt, bên dưới sương mù” lại tập trung nhiều vào những vấn đề chính trị, những biến thiên của lịch sử và sự phát triển của đô thị. Gọi là “Đà Lạt, bên dưới sương mù” bởi đầy những chuyện khó ngờ, âm ỉ mà khốc liệt được phủ đậy bên dưới mù sương. Đà Lạt là những vùng giao tranh và mưu toan quyền lực. Thành phố đã đi qua lắm thăng trầm, ôm trong nó những phế tích lắng đọng, tịch mịch.
Đó là câu chuyện về Quốc trưởng Bảo Đại với chính sách Hoàng triều cương thổ chưa thực thi đã phải rời khỏi danh đô Đà Lạt.
Đó còn là những mảnh rời ký ức về Mậu Thân và những dư chấn.
Đó là những cuộc di dân đến Đà Lạt, sự hình thành “phẩm cách đô thị”; những công trình phụng sự hòa bình, những con người đóng góp cho đô thị từ Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đến ông thị trưởng Trần Văn Phước…
Xuyên suốt cuốn sách là “một thành phố biến hình và ngưng đọng”. Đà Lạt đi qua bao biến động, nhưng vẫn trong nó một phẩm cách đô thị văn hóa, giáo dục đầy kiêu hãnh.
Cuốn biên khảo “Đà Lạt – những cuộc gặp gỡ” (2020) lại là một nỗ lực khảo cứu tư liệu về khoảng thời gian dài hơn: từ 1899 đến 1975.
Trong cuốn sách này, tác giả tái hiện những cuộc gặp gỡ quan trọng đã làm nên dáng dấp Đà Lạt theo trình tự thời gian.
Mở đầu là cuộc gặp giữa bác sĩ Alexander Yersin và toàn quyền Paul Doumer tháng 3 năm 1899. Đó là mốc thời gian sáu năm sau khi vị bác sĩ Yersin tìm thấy cao nguyên Langbiang, và cũng là lúc chính trị gia cấp tiến trẻ tuổi Paul Doumer đang ôm ấp ý tưởng xây dựng trạm điều dưỡng trên vùng cao nguyên theo mô hình thành phố biệt lập kiểu Châu Âu. Vậy là từ cuộc gặp gỡ đầy tin cậy ấy, Đà Lạt được đánh thức. Cuộc gặp gỡ này đã xác lập căn tính cho đô thị mãi về sau.
Tiếp theo là câu chuyện về những nông trại đầu tiên trong thành phố của người Pháp, cho đến người Việt.
Rồi đến cuộc gặp gỡ của Hoàng Đế Bảo Đại và Marie Thèrèse Nguyễn Hữu Thị Lan tại Đà Lạt, để sau đó nàng trở thành Nam Phương Hoàng hậu.
Cuộc gặp gỡ của những chính khách thuộc nhiều khuynh hướng chính trị trong Hội nghị trù bị Đà Lạt năm 1946.
Rồi đến những cuộc gặp gỡ làm nên bước chuyển mình của một đô thị di dưỡng văn hóa.
Cuộc gặp gỡ của chàng sinh viên Ngô Viết Thụ với cô gái Đà Lạt Võ Thị Cơ để rồi từ đó níu bước con người tài hoa trở thành kiến trúc sư kiến thiết diện mạo đô thị Đà Lạt…
Cứ như thế, những cuộc gặp gỡ tạo nên lịch sử “một thành phố sinh ra cho những cuộc đối thoại an hòa, cũng là một thành phố biết đối thoại với chính mình sau những đứt gãy, biến thiên thời cuộc” (trích lời trên bìa sách)
Qua ba cuốn biên khảo, Nguyễn Vĩnh Nguyên chọn lối viết điềm đạm, không bay bổng như tản văn, nhưng cũng không quá khe khắt và khô khan như những công trình khoa học; sử liệu và văn chương đã tìm thấy điểm gặp gỡ. Có cảm giác là nếu cần kể tiếp những câu chuyện mới về Đà Lạt xưa, anh vẫn sẽ kể thêm được, bằng tình yêu đã không còn vồ vập như trong tản văn đầu tiên, mà trở nên bền vững, như là trong hơi thở. Anh đã không còn là lữ khách, mà là một thị dân của thành phố này, sau ngần ấy năm gắn bó, kiếm tìm nhọc công.
3. Gần như cùng một lúc với biên khảo, Nguyễn Vĩnh Nguyên còn viết tiểu thuyết về Đà Lạt. “Ký ức của ký ức” ra đời năm 2019. Có thể xem như một tác phẩm bán-hư-cấu. Nguyễn Vĩnh Nguyên không đặt tư cách nhà nghiên cứu xuống mà vẫn đeo nó trong khi mang tư cách một nhà văn. Tiểu thuyết gồm ba phần. Trong phần đầu, nhân vật “tôi” là một nhà nghiên cứu đang tìm kiếm tư liệu về Đà Lạt thì bắt gặp bức ảnh một cô gái trong quá khứ, rồi lại tình cờ va vào một cô gái bí ẩn trong hiện tại. Anh đi tìm cả hai, trong tư liệu khảo cứu và trong những chuyến đi mù mờ giữa lòng thành phố sương. Phần thứ hai của tiểu thuyết là những ký ức thời trẻ trốn quân dịch, ẩn mình trong thành phố nhạt dần nét vàng son, chỉ có những con người khắc khoải, rã nát, bải hoải, chết chóc. Ở phần cuối, cuộc kiếm tìm cô gái trong bức ảnh kết nối dần đến một nhà dân – ngữ học của đất Đà Lạt xưa. Cuộc đuổi bắt bóng hình cô gái trong hiện tại lại đưa anh đến với những trang viết của một nhà văn trẻ. Ký ức chồng lên ký ức. Một tiểu thuyết nặng như tiếng thở dài hoài niệm.
Trong truyện có một mẩu đối thoại thú vị: “Tôi nghĩ anh là một nhà văn viết tiểu thuyết hơn là một tay bút biên khảo… Và tôi đoán không sai: Con đường anh sẽ đi tới – một tiểu thuyết”. Dường như Nguyễn Vĩnh Nguyên đang ẩn mình qua lời thoại của nhân vật hư cấu ấy. Tiểu thuyết hé lộ một Nguyễn Vĩnh Nguyên khác – một nhà văn hướng nội, ưa bóc tách những lớp nội tâm sâu thẳm, giàu chất triết luận trong văn chương.
Đà Lạt còn in bóng trong những trang viết khác của Nguyễn Vĩnh Nguyên. “Những thành phố trôi dạt” là một tập truyện ngắn, mà tác giả gọi là “chuỗi chuyện rời của 50 lữ khách”. Mỗi lữ khách đến từ, hoặc đi qua một thành phố khác nhau, mà lạ thay, thành phố nào cũng bảng lảng dáng hình Đà Lạt: Đà Lạt hiện lên qua con gà trên mái chuông nhà thờ, những hoa rêu nở tím li ti trên một mái nhà, những phế tích sầu muộn, những trôi dạt, lãng quên…
Và chắc chắn, Đà Lạt sẽ còn in dấu ấn trên nhiều trang văn nữa của anh, bây giờ và mai sau…
Anh sắp sửa ra mắt cuốn sách mới “Thành phố những lục địa bay”, và tôi tự hỏi, liệu Đà Lạt sẽ là gì trong cuốn sách sắp tới của anh?
Đà Lạt, mùa thu 2022.
Vũ Thị Thanh Tâm
(Bài giới thiệu trong cuộc giao lưu tại Thư viện Lâm Đồng 30-9-2022)
Xem thêm: