BÊN SUỐI, BỊT TAI NGHE GIÓ

Hẳn các bạn nhỏ còn nhớ mùa hè vừa rồi, chúng mình đã cùng nhau vừa đọc sách vừa trải nghiệm những trò chơi thú vị của trẻ em thôn quê qua cuốn sách “Trên đồi, mở mắt và mơ” của chú Văn Thành Lê chứ nhỉ?
Nhân vật chính trong cuốn sách ấy là bạn Thành “từ điển”- một “con mọt sách” thành phố đi đâu cũng kè kè cuốn từ điển bên mình. Mùa hè năm ngoái, Thành được ba mẹ cho về quê chơi với ông bà. Cậu kết bạn với Lê thủ lĩnh, Văn nói lắp, Điệp điệu và Tuyết đen. Cả hội đã cùng nhau trải qua những ngày hè tưng bừng với đủ các trò chơi: đánh trống lảng, đánh trận giả, chăn trâu, nuôi thú cưng, nấu ăn và cả… đốt nhà nữa! Và hẳn các bạn cũng nhớ, trong cuốn sách ấy, chúng mình không chỉ gặp đám trẻ quậy tưng, mà còn cả những người lớn giữ tâm hồn đẹp đẽ giữa vùng quê bình yên nữa, đặc biệt là bác Cả Phú- một người lớn trong hình dáng một “ông kẹ” khiến trẻ con sợ hãi, nhưng tâm hồn lại chất phác, hiền lành. Bác là người anh hùng tốt bụng đã cứu nguy cho bọn trẻ dại khờ.
Thì giờ đây, các bạn nhỏ đã trở lại với chúng ta một lần nữa qua cuốn sách mới toanh vừa ra kệ của chú Văn Thành Lê: “Bên suối, bịt tai nghe gió.”
Cuốn sách kể về mùa hè tiếp theo, bạn Thành lại về quê, nhưng lần này, bạn đi cùng em Bống nữa. Thành lại kết thành một hội quậy phá với đám bạn ở quê. Lần này, tình yêu dành cho thú cưng là chú cá năm ngoái chuyển sang cho chú lợn con ủn ỉn đáng yêu. Những trò chơi thì có khờ dại như “Anh đi đâu đấy, tôi đi đám ma”, cũng có sâu lắng êm đềm như trò chơi giả làm cô giáo của Điệp điệu, trò tập làm nhà thơ của cả đám trẻ, lẫn em Bống nữa.
Tác giả cũng đưa nhiều chất liệu hiện thực vào sách. Nếu như hè năm ngoái, đón cậu bé Thành là một làng quê yên ả thanh bình, thì lần này là một làng quê bắt đầu xao động với nạn khai thác khoáng sản làm ô nhiễm môi trường. Nhưng người quê thì vẫn chất phác hiền lành. Tình yêu trong trẻo của cô Lâm là nốt nhạc rộn ràng đã kết thành bài hát vui. Và xen vào đó, cũng có những nốt trầm lặng lẽ, đó là câu chuyện về bác cả Phú hiền lành gặp phải tai ương. Đi từ niềm vui sang nỗi buồn và cả sự bình tâm, cuốn sách dẫn dắt các bạn nhỏ phiêu lưu trong thế giới xúc cảm muôn màu.
Có thể thấy rõ dụng ý của tác giả qua cuốn sách mỏng, không chỉ muốn làm đầy cảm xúc, mà còn làm giàu vốn từ cho trẻ thơ nữa. Với thói quen mang theo từ điển, bạn Thành giúp cho chúng ta cắt nghĩa những thành ngữ, tục ngữ, những cách diễn đạt giàu hình ảnh mà các bạn nhỏ chưa hiểu: thế nào là “bóng câu qua cửa sổ”? , thế nào là “sáng mắt sáng lòng”?, rồi thì những từ Hán Việt lỗ tai nghe cứ lung bùng: “sắc phong”, “sắc chỉ”, “phẩm tước”, “phẩm hàm”… qua tài tra từ điển của bạn Thành, trở nên thật dễ hiểu, gần gũi biết bao. Và cuốn sách cũng chứa thật nhiều bài thơ đáng yêu, dễ thuộc. Văn phong giản dị mà hóm hỉnh, và quan trọng là đẹp. Tác giả gửi đến trẻ thơ thứ tiếng Việt thuần khiết trong ngần. Nếu các bạn nhỏ trong câu chuyện có thể viết những bài thơ đẹp đẽ từ ngôn từ giản dị đến thế này, thì chúng ta, tại sao lại không?:
Gió
Gió thổi vi vu
Trên đồng xuống bãi
Đi chơi mê mải
Rồi về bên bà
Nhịp nhàng theo quạt
Gió cho em mát
Gió làm bà vui
Quanh năm núi đồi
Ngập tràn gió hát
Cuốn sách là sự trở lại với con suối mát tuổi thơ của chú Thành (và chẳng khó để các bạn đoán bạn Thành từ điển có mối quan hệ với chú Văn Thành Lê thế nào đâu, hen!), cũng là nỗ lực giúp trẻ học tiếng Việt một cách nhẹ nhàng vui thú. Nếu chịu khó đọc những cuốn sách thế này, ngôn ngữ và trí tuệ cảm xúc của trẻ sẽ phát triển một cách thật tự nhiên.
(P/s: Bọn mình là những người đọc sách cho trẻ, nên bọn mình đợi chờ, háo hức và nâng niu trang sách của các nhà văn Việt Nam đương đại viết cho thiếu nhi vì nhiều lý do. Với sách dịch, bối cảnh có thể xa lạ với trẻ, ngôn ngữ không phải ngôn ngữ gốc, và người dịch thì không thể làm chủ ngôn ngữ giỏi như các nhà văn, trong khi bọn mình thường xem văn bản không chỉ như là truyện kể, tức là chú trọng cốt truyện, mà còn là ngữ liệu tập đọc hiểu, tức là bọn mình rất chú trọng ngôn từ. Về điểm này, “Bên suối, bịt tai nghe gió” là một cuốn sách rất thích hợp.)
Cô Thanh Tâm (Ô cửa sách)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *