‘Ô cửa sách” giữa thành phố hoa

Báo Lâm Đồng, 08/01/2021 có bài viết về Ô cửa sách:

‘Ô cửa sách” giữa thành phố hoa

 

Ra đời từ tháng 6/2018 tại TP Hồ Chí Minh và được triển khai tại Đà Lạt từ một tháng trở lại đây, “Ô cửa sách” là một dự án của cô giáo, Thạc sĩ Vũ Thanh Tâm, với mục tiêu phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên…

 

Ra đời từ tháng 6/2018 tại TP Hồ Chí Minh và được triển khai tại Đà Lạt từ một tháng trở lại đây, “Ô cửa sách” là một dự án của cô giáo, Thạc sĩ Vũ Thanh Tâm, với mục tiêu phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên. Từ đó, biến các em thành những tâm hồn yêu sách, và viết lách sẽ trở thành niềm vui.
Cô giáo, Thạc sĩ Vũ Thanh Tâm đọc sách cho các bé trong buổi “Đọc sách và viết lách”
Cô giáo, Thạc sĩ Vũ Thanh Tâm đọc sách cho các bé trong buổi “Đọc sách và viết lách”
Tạo niềm hứng thú với sách
Ngày Chủ nhật đầu tiên của năm mới, thay vì ở nhà xem tivi như thường lệ, cô bé Trần Ngọc Bảo Khanh (6 tuổi) lại được cùng các bạn hào hứng nhặt từng viên sỏi để làm tranh đá cuội hay dán giấy cho khu vườn mùa xuân. Hết sức chăm chú và tỉ mỉ, Khanh bảo rằng em thích đến lớp cô Tâm, nghe cô kể chuyện và làm những điều mình hứng thú.
Đây là hoạt động nằm trong buổi “Đọc sách và viết lách” diễn ra vào cuối tuần vừa qua. Trong không gian ngập tràn ánh sáng, nhìn ra là cả khoảng thông xanh mênh mông, các bé được nghe kể chuyện, đọc sách và sau đó thoải mái vẽ lên những viên đá cuội, sáng tạo những bức tranh cây đào và ông, cháu từ những viên sỏi nhỏ. Không khí rộn ràng và tiếng nói cười tràn ngập khắp gian nhà nhỏ.
“Đọc sách và viết lách” là một trong những hoạt động nằm trong Dự án “Ô cửa sách”. Sau một thời gian hoạt động có hiệu quả ở Sài Gòn, cô Thanh Tâm mang dự án lên Đà Lạt, và lại đặt những “viên gạch” đầu tiên. Khoảng sân sau ngôi nhà ở đường Trần Quang Diệu, Phường 10 như lọt thỏm giữa thung lũng xanh được cô biến thành thư viện nhỏ và lớp học. Ngoài ra, dự án còn có Website ocuasach.com/sachhay, kênh Youtube Ô cửa sách, cùng các hoạt động cộng đồng khác.
Mỗi buổi “Đọc sách và viết lách” có thời gian 180 phút, nhưng cô giáo Tâm bảo rằng hôm nào cũng thấy không đủ. Bởi thời lượng đó được chia cho 3 hoạt động: đọc, viết, trải nghiệm. Sau khi có đầy đủ hiểu biết, cảm nhận, các bé sẽ viết những điều xuất phát từ tâm hồn.
Ở lớp học, Thạc sĩ Vũ Thanh Tâm theo đuổi triết lý Reggio Emilia trong giáo dục trẻ, với nền tảng trẻ em có hàng trăm ngôn ngữ. Trẻ không chỉ biểu hiện suy nghĩ và tình cảm bằng lời nói và văn tự, mà còn qua những ngôn ngữ khác như hình khối, âm thanh, cơ thể… Mục đích của việc dạy văn là nuôi dưỡng cái gốc cảm xúc trong trẻ. Khi cảm xúc và suy tư được vun bồi, ngôn ngữ sẽ tự phát triển.
“Khi ở Sài Gòn, tôi gặp nhiều khó khăn vì triết lý này rất coi trọng mối quan hệ của trẻ với thiên nhiên. Trong các vật liệu để trẻ “nói”, phải có các vật liệu từ tự nhiên: đất, lá, cành, cây… Và không gian học cũng là một “người thầy”. Thế rồi tôi về đây. Mảnh đất nhỏ này ở Đà Lạt là mảnh ghép hoàn hảo cho mọi ước muốn của lớp học” – cô giáo Tâm chia sẻ.
Chính vì triết lý đó, nên lớp học của cô Tâm ngập tràn ánh sáng tự nhiên bởi hai bên là kính. Ở đó, giá sách được sắp xếp và trang trí sinh động theo chủ đề của từng mùa. Không gian rực rỡ bởi những góc nghệ thuật, treo đầy tác phẩm do chính trẻ làm nên từ cành thông, chai nhựa tái chế… Những hoạt động này vừa tăng độ nhạy cảm tâm hồn, vừa phát triển ngôn ngữ, vừa hình thành giá trị sống cho trẻ.
Để trẻ chịu đọc sách, cô Tâm bảo rằng giai đoạn đầu cô giáo phải “dụ” trẻ. Giáo viên phải tóm tắt những đoạn hấp dẫn để khơi gợi tính tò mò của trẻ, tặng quà cho bạn nào viết tốt. Nhưng qua thời gian, việc đọc và viết sẽ trở thành thói quen và là việc yêu thích của trẻ.
Các bé hào hứng làm tranh đá cuội dưới sự hướng dẫn của cô giáo Tâm
Các bé hào hứng làm tranh đá cuội dưới sự hướng dẫn của cô giáo Tâm
Mỗi ba mẹ là một Ô cửa sách
Không chỉ khích lệ tinh thần ham mê đọc sách ở trẻ, Ô cửa sách còn mong muốn hướng phụ huynh đến việc đọc sách cùng con, nhằm phát triển hơn văn hóa đọc ngay trong chính mỗi gia đình. Cô Thanh Tâm cho hay: “Thực tế, trẻ dưới 5 tuổi đều thích được nghe đọc truyện trước khi đi ngủ. Điều này sẽ hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ cho bé. Điều quan trọng là ba mẹ và người thân bên cạnh bé phải trở thành người đồng hành cùng con. Nếu người lớn không làm điều này thì trẻ sẽ bị thu hút vào ti vi, điện thoại, Ipad”.
Chính vì lẽ đó nên khi triển khai Ô cửa sách ở Đà Lạt, cô giáo Thanh Tâm có một không gian rộng rãi cho ba mẹ cùng tham gia các buổi đọc cùng con, trong lúc đó đánh thức cảm hứng sư phạm trong ba mẹ. Sau vài tuần trải nghiệm, phụ huynh sẽ trở thành người đứng lớp, mỗi ba mẹ là chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau, phạm vi sách cho trẻ nhờ đó sẽ được mở rộng.
Là phụ huynh đầu tiên thực hiện điều này trong buổi “Đọc sách và viết lách” ở Đà Lạt, chị Lục Minh Thư (Phường 9) đã đưa các bé đến với quyển sách “Ngàn dặm sỏi đá”. Sau khi đọc kỹ truyện cho lớp học nghe và cùng thảo luận về ý nghĩa của câu chuyện, từ ý tưởng tranh xếp đá của Nizar Ali Badj, chị cùng cô giáo Tâm đã hỗ trợ các bạn nhỏ xếp những bức tranh ý nghĩa từ đá sỏi để các bé có thể cảm nhận rõ hơn.
Hai con của chị Thư, một bé 11 tuổi, một bé 8 tuổi đều được tham gia lớp học từ những buổi đầu tiên. Chị chia sẻ: “Trước đây, hai bé không đọc nhiều sách, bản thân tôi cũng không có thời gian để kèm con. Bây giờ thì hai bé đã bắt đầu có hứng thú hơn. Vì mỗi chủ đề sẽ gắn với những hoạt động liên quan, giúp các con có cảm hứng và liên kết được những gì mình đã đọc với thực tế. Những hoạt động thủ công đang thu hút các con hơn, nhưng dần dần, mưa dầm thấm lâu, các con sẽ được ngấm từ từ và sẽ hình thành thói quen đọc sách và viết”.
Ít ai ngờ rằng, lớp “Đọc sách và viết lách” ra đời vào khoảng thời gian Thạc sĩ Vũ Thanh Tâm stress vì công việc bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho con. Thế nên, lớp học cuối tuần ra đời là nơi để cô thỏa mãn niềm đam mê, đồng thời có thời gian đồng hành cùng con qua những trải nghiệm trong lớp học. Bắt đầu từ rất ít sách, bây giờ, thư viện của cô Tâm đã có hàng ngàn đầu sách.
Từng là giáo viên của Trường Phổ thông Năng khiếu – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trước khi chuyển hẳn về quê hương Đà Lạt sinh sống, cô giáo Thanh Tâm coi trọng và tôn trọng sự sáng tạo trong mỗi đứa trẻ. Cô bảo rằng, với môn Văn, giáo viên phải hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc, và môn Văn không còn là nỗi ám ảnh.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, “Ô cửa sách” sẽ có các workshop hoàn toàn miễn phí cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Thay vào đó, các em sẽ đổi sách lấy vé tham gia. Những quyển sách, đồ chơi, áo ấm, tất cũ… nhưng còn tốt và lành lặn được cô Tâm quyên góp để ủng hộ cho trẻ em khó khăn vùng biên giới. Cô bảo rằng, chung tay cùng nhau, chúng ta sẽ không chỉ thắp lên cho con mình tình yêu sách, mà còn cả tình yêu cho đồng bào.
VIỆT QUỲNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *