Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển
Suốt một đời như núi đứng riêng tây
Lòng chàng xưa chốn nọ với nơi này
Đây hay đó chỉ dựng chòi cô độc
(Mai sau- Huy Cận)
Con người muôn thuở chung nhau nợ cô đơn, chung nhau nỗi sầu đeo bám ngay từ tiếng khóc chào đời. Cái buồn vạn kiếp ấy dường như trút cả vào túi thơ Huy Cận, triền miên ngày tháng, đóng băng cả dòng sông thời gian, nhường chỗ cho không gian lên ngôi. Cái không gian ấy ôm trùm, ám ảnh thơ Huy Cận, trở thành chiếc chìa khóa vàng khi ta đi sâu vào giải mã tâm hồn thi nhân.
“Nhà thơ ảo não nhất” ấy (nói theo Hoài Thanh) thường được gợi hứng từ thiên nhiên vũ trụ bao la, nỗi sầu muộn bàng bạc khắp trong các bài thơ của ông vì thế cũng mang chiều kích của non sông, chất chồng tựa núi, lồng lộng như mây trời “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”, mênh mang theo con nước “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”, hiu hắt luồn vào trong gió “Vi vu gió hút nẻo vàng”. Có lẽ cái “sầu không gian” ấy đã ấp ủ từ thuở ấu thơ ở vùng quê Hà Tĩnh với một bên là mênh mông sông La, một bên sừng sững núi Mồng Gà. Nhưng không đợi đến Huy Cận thiên nhiên mới bước vào trong thơ, mà từ thời xa xưa, mây hoa tuyết nguyệt bốn mùa thủy chung và vĩnh viễn vẫn luôn là đối tượng thi nhân phương Đông hướng đến, để chiêm nghiệm, học tập, vui vầy:
Hái cúc ương lan hương bén áo
Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn
(Nguyễn Trãi)
Thế rồi, làn gió Tây phương thổi đến, làm chao nghiêng cái tư thế, tâm thế tĩnh tại ấy, dấy lên những xôn xao trong lòng thi nhân. Sẵn mang trong mình cái hồn cổ điển phương Đông, lại giang tay hứng lấy làn gió thời đại, không gian trong thơ là sự giao thoa, hòa quyện tròn trặn giữa hai nền văn hóa, giữa Đông và Tây, cổ và kim.
Trước Cách mạng Tháng Tám, khi bóng tối nô lệ còn chế ngự, các thi sĩ lãng mạn như Huy Cận thường ru mình trong một thế giới khác, để quên đi thực tại đau buồn. Khi Thế Lữ tìm đến tiên giới, Xuân Diệu say sưa vườn yêu, Hàn Mặc Tử chìm trong cơn điên loạn thì Huy Cận ngước nhìn lên cõi xa xanh, ngưỡng vọng một thời vàng son đã xa lắm.
Thuở xưa Chức Nữ buồn sông Ngân
Có kẻ ngồi thương ở dưới trần
(Hồn xa)
Nỗi u hoài ấy không là của riêng thi sĩ, mà là của đại đa số những thanh niên đương thời. Trong giai đoạn bản lề của lịch sử: ngàn năm phong kiến đã sụp đổ, mà kỉ nguyên mới vẫn chưa nên hình, họ bơ vơ lạc lõng, không biết bám víu vào đâu, tựa như Adam và Eva từ thiên đường rơi xuống cõi hồng hoang.
Trời! Ảo não những chiều buồn Hà Nội
Hồn bơ vơ không biết tựa vào đâu;
Mây không bay, thương nhớ cũng không màu
Nắng không xế và lòng sầu không hướng
(Trò chuyện)
Bởi thế, “cái tôi lãng mạn lộn ngược quá khứ làm tương lai (…) nó luôn luôn nhớ tiếc quá khứ như một cái gì bình ổn và đẹp đẽ. Một phản ứng vô thức đối với thực tại bấy giờ” (theo Đỗ Lai Thúy). Thơ Huy Cận tìm về với vườn địa đàng, nơi con người chỉ biết đến hạnh phúc, nơi hoa thơm trái ngọt trĩu trịt chờ hái:
Gió se dòng mộng tuôn giòn,
Đem theo hương vị đời ngon ngàn đời
Gió đưa hơi, gió đưa hơi
Lá thơm như thể da người: lá thơm…
(Trông lên)
Ấy là thuở đồng tâm, nơi “hồn sẽ hiểu qua hồn”, là khi con người vẫn tin, vẫn tưởng đến những nàng tiên, vào Ngọc Hoàng, tin vào cổ tích và huyền thoại. Hạnh phúc thay khi con người còn biết tin cào một điều gì đấy! Mượn một cánh chim, một ánh trăng dãi dầu trên bầu trời khuya làm thuyền, thi nhân quay ngược dòng thời gian để thông mối giao cảm với ngày xưa mơ ước ấy. Cái tình rất cổ điển, trong một không gian cũng đượm màu xa xưa:
“Đại bàng vỗ cánh muôn năm trước
Ai biết trời xưa rộng mấy khơi?”
(Hồn xa)
“Đêm mơ lay ánh trăng tàn
Hồn xưa gởi tiếng thời gian trống dồn”
(Chiều xưa)
Thế nhưng thực tại đã đập tan giấc mộng huyền hoặc ấy, đưa con người trở về với chán chường, ê chề, mệt mỏi rất “đời”.
Bích Câu đâu nữa bóng chàng Uyên
Sông núi thô sơ bặt tiếng huyền
Có lẽ hồn ta không đẹp nữa
Nét thần thôi hoạ bức thiên duyên
(Hồn xa)
Giờ đây, tỉnh giấc mộng, ta lại gặp ngay người bạn thân thiết muôn thuở mang tên “sầu”- nỗi sầu thiên cổ. Nhưng ngay cả khi lòng buồn trải đầy cả một “vườn hoang trinh nữ” thì thi nhân cũng đánh mất chút gì gọi là hiên ngang, cứng cỏi của những Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, hay Nguyễn Công Trứ, Tản Đà…; vai rũ xuống và gục mặt buồn:
Cõi đời cúi mặt quên xa biếc
Đi hết thời gian không nhớ thương
(Hồn xa)
Thiên đường với hạnh phúc, chân thật, đẹp đẽ giờ đã xa khỏi tầm với, tựa như bầu trời xa xanh kia mà bàn tay người không bao giờ chạm đến được. Nhân gian chìm trong giả dối, ích kỉ, độc ác, sa vào vũng bùn tội lỗi.
Càng buồn lại càng trông, nhưng trông mà không thấy, chỉ thấy một thân một mình trơ trọi, đó chính là cảm thức sinh ra loại không gian thứ hai trong thơ Huy Cận: không gian “trông vời”
Giữa trời hình lá con con
Trời xa sắc biển, lá thon mình thuyền.
Gió qua là ngọn triều lên
Hiu hiu gió đẩy thuyền trên biển trời.
Chở hồn lên tận chơi vơi…
(Trông lên)
Phiến lá mong manh, qua sự hô biến của trí tưởng tượng, đã biến thành chiếc thuyền hồn tròng trành giữa con nước cả, lang thang phiêu bạt vô định. Cơn giông và cơn sóng dữ chỉ chực chờ lật úp thuyền. Con thuyền yếu ớt và cô độc biết mấy! Trong lúc yếu đuối, con người ta còn cần gì hơn là một bàn tay nắm, một sự cảm thông, tri kỉ. Thế nên thi nhân mới phóng tầm mắt thật rộng, thật xa, bao quát bốn phương tám hướng hòng tìm kiếm một sự kết nối:
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay
(Vạn lí tình)
Thi nhân đem con tim của mình trao gởi vào thiên hạ:
Cả linh hồn tôi đem cho trọn vẹn
Vốn nhà nghèo không quen thói bán buôn
(Trình bày)
Nhưng hỡi ôi, “Hồn tôi đây, thiên hạ bỏ đìu hiu”! Thi sĩ chỉ còn biết tìm đến thiên nhiên, trải lòng mình với thiên nhiên với niềm hi vọng hồn người sẽ kết nối với hồn vạn vật trong một mối tương thông lạ kì. Tìm đến sông…
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
(Tràng giang)
…chỉ thấy thuyền xuôi nước ngược không bao giờ gặp nhau, tựa hai đường thẳng song song chạy hoài, chạy mãi chẳng tìm được một mối mà quy tụ. Đã thế, Huy Cận còn thả thêm vào đấy một cành củi héo hon đơn chiếc, một “cành củi khô cùng kiếp nhân sinh lạc loài”, bị xô đẩy giữa “mấy dòng” nghiệt ngã. Tìm đến trời, chi thấy một cánh chim nhỏ oằn mình cõng cả bóng chiều trên lưng (Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa) . Tìm đến rừng, chỉ thấy “chim đi, lá rụng”, còn trơ trọi một cành cây, cũng như chỉ còn hiu quạnh một tấm lòng đơn độc.
Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng
Sầu thu lên vút song song
Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu
(Thu rừng)
Đứng trước cả một bầu không gian rộng lớn, ngút ngàn (dòng sông, bầu trời, rừng cây), nhưng những gì khuấy động lòng Huy Cận không phải là cái phóng khoáng, sảng khoái mà cảnh vật mang lại. Ông chỉ nhìn thấy sự đối lập giữa cái mênh mông và sự nhỏ bé, lẻ loi của sự vật, cả cái rời rạc, chia lìa như chính tấm lòng quạnh quẽ của thi nhân. Thế nên, khi bình thơ Huy Cận Xuân Diệu viết: “…chàng như không ở trong thời gian mà chỉ trong không gian ; người ta muốn tưởng linh hồn Huy Cận là đám mây kia, là nỗi hắt hiu trong cõi trời, là hơi gió nhớ thương”. Không gian ấy rợn ngợp, bao la như muốn nuốt chửng, cô lập con người với thế giới xung quanh, giam nhốt con người trong một cái lồng vô hình.
Không thỏa lòng bởi tầm nhìn, Huy Cận cố tìm những thanh âm, dù là nhỏ nhất, cho thấy dấu hiệu của sự sống. Nhưng không gian trong thơ ông là không gian vô thanh, tĩnh mịch. Có chăng thì cũng chỉ là những tiếng mơ hồ (“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”), hoặc buồn tẻ, đơn điệu vang vang càng làm bật lên cái trầm tĩnh rộng lớn:
Bờ tre rung động trống chầu,
Tưởng chừng còn vọng trên lầu ải quan.
(Chiều xưa)
Thơ Huy Cận còn nói nhiều về cõi chết- cõi thinh không câm lặng, nơi chốn của những linh hồn cô đơn tột cùng. Cổ nhân phương Đông xem cuộc đời là vô thường, kiếp người rồi sẽ luân hồi nên cái chết chẳng qua chỉ là sự siêu thoát, là khởi đầu cho một sức sống mới: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (Cáo tật thị chúng- Thiền sư Mãn Giác). Nhưng đối với Huy Cận, cái chết đồng nghĩa với sự cô lập triệt để, đoạn tuyệt hoàn toàn:
Nhưng mắt đóng trong đêm dài câm lặng,
Còn biết chi trời đất ở bên kia;
Bướm bay chi! Tay nhậy đã chia lìa;
Tình gọi đó, nhưng lòng thôi bắt mộng.
(Chết)
“Chết là nằm “khô một bóng” trong không gian tối tăm, chật hẹp, ôm một khối cô đơn dằng dặc không cách nào gỡ nổi
Sẽ nằm im! Ôi đau đớn chừng nào;
Thân bay nhảy giam trong mồ nhỏ tí
(Chết)
Rồi những phiền não ấy cũng đã khép lại cùng dĩ vãng. Sau Cách mạng Tháng Tám, thơ Huy Cận không còn cái nặng nề u buồn nữa. Không gian vẫn mang tầm vóc vũ trụ, nhưng con người trong thơ vụt lớn hẳn lên, sánh ngang cùng trời đất:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao và biển bằng
(Đoàn thuyền đánh cá)
Gió trăng bầu bạn cùng con người trong hành trình xây dựng cuộc sống mới, hòa vào khúc tráng ca lao động của những người dân chài (Ta hát bài ca gọi cá vào/Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao). Biển cả cũng không mênh mông rợn ngợp nữa, mà trở nên hiền hậu, thân thuộc biết bao nhiêu:
-Biển mênh mông hừng đông cuộc đời
Biển là võng đẹp, biển là nôi
(Biển)
-Nghe gió thức, biển dạt dào
Đảo xa từng cụm chụm vào bình minh
(Bình minh ở đảo)
Nếu trước kia, hoàng hôn lùa từng đợt sóng u sầu vào lòng thi sĩ (“Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”), thì nay, cũng trong khoảnh khắc ngày tàn ấy, không gian vang vọng tiếng ca khỏe khoắn, lạc quan, đưa cánh buồm băng băng tiến về phía trước
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
Những buồn bã của ngày cũ đã được ánh sáng cách mạng gội sạch, để mở ra một khung trời đầy “nắng hồng”, khung trời của những con người làm chủ cuộc đời mình, làm chủ quê hương đất nước mình. Chính những con người ấy đã thổi sinh khí vào thiên nhiên, khiến thiên nhiên cũng bừng lên chào đón một kỉ nguyên mới:
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
(Đoàn thuyền đánh cá)
Dù là ở trong bất kì giai đoạn thơ nào, Huy Cận cũng tâm niệm: “Thơ như chiếc võng ta treo/ Đầu theo vũ trụ, đầu theo loài người”. Vì thế, thân thuộc biết bao nhiêu khi đọc thơ ông: ở đó ta bắt gặp non nước quê hương mình mà trong cái rộng dài của trời đất là chan chứa biết bao tình, tình của riêng ta, tình của dân tộc ta, tình của nhân loại. Người lữ hành ấy đã chấm dứt “một kiếp đi hoang”, thế nhưng vẫn còn đấy một tấm lòng tha thiết với non sông:
Rồi một ngày kia hết ở đời
Cho ta theo biển khỏa chân trời
Điều chi chưa nói xin trao sóng
Lấp lánh hồn ta mặn gió khơi
(Ta viết bài thơ gọi biển về)
Bài viết của học sinh Đỗ Thị Thu Hà – Lớp 11 Văn -Trường Phổ thông Năng Khiếu khóa 2013-2017