Mỗi chúng ta đều mong ước trở thành một người thật đặc biệt, nhưng đặc biệt cũng đồng nghĩa với khác biệt, và sẽ như thế nào nếu vì sự khác biệt ấy mà chúng ta bị mọi người xa lánh, trở thành những kẻ cô đơn?
Câu hỏi đó sẽ được hé mở trong bộ truyện có tranh minh họa dành cho thiếu nhi của Việt Nam vừa đạt giải Khát vọng Dế Mèn trong khuôn khổ Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức tháng 6 năm 2021.Đó là bộ “Khác biệt mới tuyệt làm sao”, lời của Nguyễn Hoàng Vũ và tranh của 4 họa sĩ: Linh Vương, Hoàng Trung, Ru-ơi và Gà.
Bốn nhân vật trong 4 tập truyện đều là những người khác biệt, có nhân vật khác biệt từ lúc mới sinh, cũng có người khác biệt vì tự lựa chọn hành xử khác mọi người, nhưng cả 4 đều là những nhân vật tốt bụng và đáng yêu.
Tập truyện Nhóc Kỳ lân mọc sừng búa đẽo lấy bối cảnh Thảo nguyên Cầu vồng, nơi có bầy kỳ lân sừng bạc, mà sừng ai cũng nhọn hoắt, xoắn ốc, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, chỉ trừ bé nhóc Kì Quặc mà thôi. Cậu sinh ra với một chiếc sừng hình búa đẽo khiến mẹ đau buồn khóc cạn nước mắt. Lớn lên, cậu đã rất cố gắng để giấu đi sự khác biệt, nhưng các bạn vẫn xa lánh cậu. Trong một lần chơi trốn tìm, các bạn đã cố tình chơi khăm, bỏ rơi cậu, phi sang bên kia đồi, nơi có dòng suối lạ. Kì Quặc nghe tiếng khóc, tìm đến, thì đã thấy ôi thôi, nước suối lạ khiến sừng các bạn đều bị biến dạng. Chưa bao giờ cảm xúc của Kì Quặc lẫn lộn đến vậy: cậu vừa vui vì từ nay mình không còn là người duy nhất mang chiếc sừng khác thường, nhưng cũng vừa buồn thương cho các bạn, bởi hơn ai hết, cậu thấu hiểu cảm giác của kẻ bị-khác-người. Cuối cùng sự cảm thông đã thắng, Kì Quặc đã dùng tài nghệ khéo léo đục đẽo cho những chiếc sừng dị dạng trở nên đẹp tuyệt vời, mỗi bạn mang một chiếc sừng với vẻ độc đáo riêng:
“Cốc cốc cốc cộc cộc
Đợi tớ chốc nữa thôi
Đẽo nốt sừng này rồi
Tớ sẽ làm cho cậu
Cốc cốc cộc cộc cốc…”
Và thế là từ đó, các bạn gọi cậu bằng một cái tên khác, không phải Kì Quặc nữa, mà là Kì Diệu.
Truyện gửi đi thông điệp:
“Nếu ai cũng giống ai thì thế giới này sẽ chán ơi là chán.”
Truyện nàng rồng khè ra trà sữa thì kể về nàng rồng ở xứ sở xa xôi:
“Thuở con người vẫn còn nhỏ bé
Trái đất rộng, thẳng cánh rồng bay
Rồi con người lớn lên, tàn phá
Gìn giữ triệu năm, mất một ngày.
Rừng trụi cây, không nơi nương tựa
Khói ngập trời, sải cánh lạc trôi
Rồng vùng lên, đấu tranh nảy lửa
Máu đổ, xương rơi
Ấy thế rồi…”
Một nàng rồng nhí mất cha mẹ trong cuộc chiến khốc liệt giữa rồng và người .Cô bé phải thay mẹ nuôi đứa em thơ. Lớn lên, ao ước trả thù cho cha mẹ, nàng luyện tập chăm chỉ và trở thành một trong những thí sinh chiến binh rồng danh giá nhất. Vào giấy phút quyết định của cuộc thi, tệ thay, nàng không thể khè ra lửa như các chiến binh khác, mà lại khè ra… trà sữa. Nàng đành đau khổ từ bỏ giấc mộng chiến binh. Ngờ đâu, nhiều năm sau, trong một chiến cuộc ác liệt, chính thức uống kì diệu nàng khè ra trong lúc căm giận con người đã được loài người ùa ra sung sướng thưởng thức:
Mối thù xuyên qua bao thế hệ
Đã bị dòng trà sữa cuốn trôi
Người và rồng bên nhau bất kể
Bay hay đậu xuống, đứng hay ngồi.
Nàng rồng khác biệt đã khơi dậy dòng sông trà sữa thuở xa xưa, hóa giải mối hận thù để người và rồng sống bình yên bên nhau mãi mãi.
Truyện gửi đi thông điệp:
“Mỗi chúng ta đều giỏi ít nhất một điều gì đó, chẳng cần phải giống với số đông. Miễn là em vui và thấy mình có ích”
Truyện Lão ma cà rồng cuồng cà rốt thì lại là một truyện ma rất… ngọt ngào. Mở đầu với bức tranh ở nghĩa địa hoang vu, truyện đưa các bạn đến với cuộc sống của loài ma cà rồng, nơi có một lão ma kì quặc từ chối uống máu tươi như đồng loại, mà lại ghiền món… cà rốt. Lý do thật bất ngờ và cũng thật nhân văn, đầy ắp yêu thương, làm lay động trái tim ngay cả những độc giả khó tính nhất. Qua đó chúng ta nhận ra: “Chẳng có niềm tin nào là hoàn toàn sai hay đúng… Ai cũng có quyền bảo vệ điều mình tin, miễn đừng gây hại cho người khác”
Truyện Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên chạm đến một đề tài rất được quan tâm hiện nay: sự khác biệt khi sinh ra trong cơ thể giới này, mà mơ ước được làm những điều mà xã hội mặc định là cho giới khác. Ở thế giới phép màu, trong Học viện Hô biến, mọi bé trai đều được dạy để trở thành Bụt, mọi bé gái đều được dạy để trở thành tiên:
Trai là Bụt, gái là tiên
Chớ làm ngược lại, lời nguyền bám đeo”
Nhưng có một cậu nhỏ lại mơ ước được thành tiên. Cậu thèm thuồng nhìn các bạn gái tập múa, tập bay:
“Một bung, hai đập, ba xòe
Bốn vờn mây gió, năm khoe dáng hình…”
Liệu có cách nào cho cậu nhỏ được thỏa ước mơ không?
Bởi vì “Đam mê vốn không phân biệt giới tính” mà!
Và truyện cổ vũ chúng ta “Cứ tự do theo đuổi điều mình yêu… Vì đam mê nào cũng tuyệt như nhau.”
Những lời tóm tắt này sẽ chẳng thể nào nói hết sự hấp dẫn của bộ sách. Lời kể của tác giả Nguyễn Hoàng Vũ đưa chúng ta đến những thế giới tưởng tượng vừa kỳ ảo mà vừa gần gũi. Đó là sự hòa trộn giữa cổ tích với thời hiện đại qua những chủ đề đang được quan tâm hiện nay như giới, bản sắc cá nhân, hay qua những món ăn, uống hấp dẫn với các bạn nhỏ như trà sữa, nước ép cà rốt. Đặc biệt là chất thơ lấp lánh. Thơ được đan cài, khiến truyện mượt mà, dễ nhớ hơn, và làm cho ngôn từ của các bạn nhỏ được phát triển phong phú hơn.
Điểm cộng nữa của bộ truyện là tranh vẽ của các họa sĩ. Mỗi tập sách một họa sĩ đảm nhiệm, làm nên nét riêng trong sự thống nhất là nét vẽ đáng yêu và màu sắc tươi sáng.
Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Hoàng Vũ cùng các họa sĩ: Linh Vương, Hoàng Trung, Ru-ơi và Gà vì món quà tuyệt vời cho trẻ thơ “made in Vietnam”.
Sách của Nhà xuất Bản Kim Đồng, phát hành năm 2021.
Reviewer: Thanh Tâm.
Xem thêm: