ĐỀ THI:
Viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà em đã đọc nhằm lan tỏa tình yêu đọc sách, thông qua đó khơi dậy trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu với Tổ quốc.
BÀI DỰ THI: VIẾT TIẾP LỜI CHO SÁCH “CÀ NÓNG CHU DU TRƯỜNG SA” của tác giả Bùi Tiểu Quyên, NXB Kim Đồng, 2021.
Xin chào, tôi tên là Cà Nóng. Tôi được mọi người biết đến qua cuốn sách “Cà Nóng chu du Trường Sa” của cô Bùi Tiểu Quyên được phát hành bởi nhà xuất bản Kim Đồng. Là một chiếc máy ảnh (Canon) vô cùng may mắn, tôi được theo bước các anh chị phóng viên tham gia vào chuyến hải trình mà biết bao con người và máy ảnh đều mơ ước. Cuộc hải trình khám phá Trường Sa. Thật tự hào khi tôi vừa được đặt chân lên vùng biển cả quê nhà, khung cảnh ấy hùng vĩ đến nỗi tôi nổi cả “da máy ảnh”, dù đã kết thúc chuyến đi, rời xa những người bạn và Trường Sa thân thương nhưng mọi cảm xúc tôi có ở nơi đảo xa ấy sẽ mãi đọng lại trong kí ức của máy ảnh này. Tôi cam đoan rằng kể cả khi bản thân đã trở thành một máy ảnh già thì tình yêu này vẫn còn mãi, vì tôi sẽ truyền lại cho con cháu.
Ôi đã hai tuần kể từ khi tôi trở về nhà sau chuyến thăm quần đảo thân thương của tổ quốc – Trường Sa. Cô chủ bận tối tăm mặt mũi, tôi cũng bận lựa những bức ảnh đẹp nhất để cô hoàn thiện bài báo của mình. Thế nhưng ngồi lựa ảnh mà tôi tiếc quá vì với tôi tấm nào cũng đẹp, cũng đáng xem, đáng trân trọng. Tuy máy ảnh không có nước mắt nhưng tôi cũng biết khóc, tôi khóc lặng thầm khi xem lại từng bức ảnh. Chẳng biết giờ này thằng Ni, thằng So, Meica, bác Tê Lê và những người bạn, anh chị khác đang làm gì nhỉ? Tôi cũng nhớ quá những anh chiến sĩ, những đứa bé vùng khơi, nhớ chú chó Bão táp, Đại Dương, em Hiền; chẳng biết những chú cún con của Hiền đã được đặt tên chưa? Cà Nóng cũng nhớ bầu trời sao trên biển lắm, nhớ những buổi họp nhỏ của hội máy ảnh, những lần vui đùa cùng mấy anh chị phóng viên, nhớ những quả bàng vuông và cây bàng vuông già nơi biển đảo. Tôi không ngờ mình chụp và nhớ được nhiều thứ đến thế! Đời thằng máy ảnh tôi đã thấy quý giá lắm rồi!
Tôi cứ sụt sùi khóc, đến khi cô chủ về ống kính của tôi đã phủ một màn sương, cô cẩn thận lau chùi mặt kính rồi ngồi xem lại ảnh, tôi thấy rồi! Cô chủ cũng rưng rưng! Sau một lúc cô lại tiếp tục trở về với công việc của mình, cặm cụi trước máy tính viết những bài báo dài ngoằn. Cà Nóng tôi ngồi lặng ở cửa sổ ngắm bầu trời, tôi nhận ra bầu trời ở đây không đẹp bằng ở biển, không nhiều sao. Tôi ngâm lại bài thơ đầu tiên của mình:
“Này em chó nhỏ
Để ta kể cho em nghe về đất liền
Phía ấy mình còn có núi có rừng, và biển
Non xanh ngút ngàn những dòng sông biêng biếc
Có cánh cò, đồng lúa, những đàn trâu…
Này em ngồi đây
Có mơ về hải âu
Biển tổ quốc mình vẫn đẹp dẫu trải những ngàn năm bể dâu, em nhỉ?
Em có nghe tiếng đại dương trở mình thủ thỉ:
Biển ấy là của mình…”
Chẳng hiểu sao cái máu thơ ca lại nổi lên trong người tôi, có khi Cà Nóng sắp chuyển từ máy ảnh sang “máy thơ” rồi đấy!
Em ơi đã từng nghe?
Nơi đại dương gọi nhỏ
Nơi không chỉ có sóng và gió
Mà còn có đây tình yêu, con người
Em ơi đã từng nghe?
Lời thương yêu của người con biển cả
Họ nói “đảo là nhà”
Còn biển kia gọi là quê hương
Em ơi đã từng nghe?
Nơi Trường Sa vẫy gọi
Nhớ, giữ gìn và bảo vệ nguồn cội
Đến mãi ngàn thu vẫn là của mình
Em ơi vì là của mình
Nên mình phải thương, phải trân trọng em nhé!
Vì ở biển đảo xa kia
Là máu và nước mắt của người mình!
Tôi đã ngồi lim dim gật gù. Ái chà! Chẳng hiểu sao lại hết pin? Cô chủ ngủ rồi tôi không làm phiền nữa. Tôi mon men từng bước chạy qua dây sạc. Nhưng lần này tôi cứ có cảm giác hơi sai! A! Linh cảm của một thằng máy ảnh đúng lắm chứ chẳng đùa! Dây sạc lần này không cắm vào ổ điện mà cắm vào máy tính. Thế thì có sạc được không nhỉ? Tôi sắp sập nguồn nên không suy tư nữa mà cứ thế cắm vào luôn. Tích tắc tích tắc. Tôi được sạc nhưng sao hơi chậm. Ồ! tôi đã thấy mục tiêu , thì ra còn một dây sạc khác trong ổ điện, tôi nghĩ có càng nhiều dây sạc thì sạc nhanh hơn nên cứ thế cắm vào luôn.
“Cạch!” tôi giật mình, đó là tiếng cô chủ mở cửa đi làm. Tôi nhìn quanh khắp phòng vừa nhìn vừa dụi mắt. Đứng hình một lúc lâu, tôi choàng tỉnh, trong máy tính thế mà toàn là ảnh của tôi. Tôi lướt từ trên xuống dưới không thiếu ảnh nào. Tôi ngạc nhiên quá thốt lên “hú hồn Cà Nóng”. Sau một hồi suy luận với tư duy nhạy bén của một thằng máy ảnh thiên tài nhưng có cái tên củ chuối là Cà Nóng. Tôi phát hiện sự thật chỉ có một, tôi có thể kết nối để chia sẻ ảnh với máy tính. Tôi lấy đà chạy thẳng lên cái bục nhỏ giả tư thế cầm súng của các anh chiến sĩ ở Trường Sa một cách nghiêm trang nhưng cái miệng nhỏ vẫn không che giấu được niềm vui chẳng tả xiết. Vì sao tôi vui ư? Tôi – thằng Cà vui bởi vì Cà kết nối được hình ảnh với máy tính, nghĩa là những hình ảnh Cà chụp được sẽ không lãng phí, những con người, sự vật thân thương chốn biển xa sẽ được mọi người biết và nhớ đến, được quan tâm rộng hơn. Những chiến sĩ đang ra sức bảo vệ chủ quyền biển đảo, những tán bàng vuông luôn dang tay chào đón, những yêu thương và quyết tâm giữ biển ngập tràn từ đảo Đá Nam, Đá Lát, Sinh Tồn, Sơn Ca, Tiên Nữ,… đều sẽ được chia sẻ cho cả thế giới thấy. Nghĩ tới đây mà tròng kính tôi cay cay, chắc vì ở với cô chủ lâu quá nên tôi nhiễm dần những tình trạng của con người.
Tôi bắt đầu truy cập các trang mạng xã hội mà cô chủ hay gọi là Phây Bút, In-ta-gam, Qui – vơ – si,… thì ra nó cũng rất bổ ích nếu tôi sử dụng đúng mục đích. Tôi tạo tài khoản với cái tên “Cà Nóng đây” và thêm một hình lá cờ Việt Nam phía sau. Và bắt đầu lựa chọn hình ảnh theo từng phần để đăng lên trang cá nhân: đảo chìm, cá heo bơi theo đàn, bầu trời đêm tại vùng biển Trường Sa, những chú chiến sĩ canh gác ngày đêm, vườn rau tăng gia, trẻ nhỏ,…Trang tôi nhận được nhiều lượt tương tác, tôi phấn khích nhảy cẫng lên. Bận trả lời cho mấy bạn bình luận vào ảnh của tôi đến mỏi tay nhưng khi được giới thiệu về Trường Sa với nhiều bạn như vậy, tôi tự hào lắm!
Cà Nóng tôi bồi hồi xúc động khi đang đăng bài về nhà giàn DK1/21. Ở nơi đây tôi vượt qua nỗi sợ độ cao, thể hiện bản thân là một thằng máy ảnh gan dạ, liều lĩnh. Những cơn sóng nối tiếp đập dồn dập vào phần chân giàn, chiếc thuyền của chúng tôi cứ nhô cao rồi hạ xuống, gập ghềnh theo dòng biển. “Lỡ mà té xuống đó thì sao nhỉ? Tan nát đời máy ảnh mất!” Đó là suy nghĩ chợt loé trong tôi lúc đó. Nhưng được gặp các anh hải quân nơi nhà giàn, lòng tôi như nhẹ lại. À! Chúng tôi được đưa và đi lên từng lượt. Nhìn những con sóng dập dìu nhảy múa dưới chân mà tôi vẫn không khỏi sợ hãi. Lên nhà giàn, tôi chụp được cảnh các anh chị chia nhau gói mì tôm, bẻ ăn sống. Bức ảnh ấy giản dị, chân chất, tuy mộc mạc nhưng đều từ tận đáy lòng. Còn có những vườn rau tăng gia ở nhà giàn, những mầm xanh lớn lên trên làn nước mặn mà của biển cả. Ở phần bình luận, nhiều người bày tỏ bản thân cũng nghẹn ngào sau khi thấy những dòng chia sẻ và bức ảnh của tôi, họ mong ước một lần được ra thăm các anh chiến sĩ ở nhà giàn DK1, mong được thăm nhà giàn, ước được thăm vùng biển mà các anh ngày đêm bảo vệ. Một số khác thì kể lại trải nghiệm của bản thân khi đã được tự mình đi thăm. Ôi câu chuyện nào cũng thấm đẫm tự hào và xúc động. Thật thương cho những ai đi thăm nhà giàn vào ngày gió to sóng lớn, nhìn biển cuộn từng đợt sóng mà tôi kinh hãi cả người. Bởi bên dưới bài đăng của tôi những người khác cũng chia sẻ những hình ảnh và video mình chụp, quay được. Tôi như được kết nối và đã kết nối mọi người, vì chúng ta có một tình yêu chung. Yêu quê hương, đất nước; yêu biển đảo – biển đảo của mình. Yêu Việt Nam, yêu Trường Sa của Việt Nam mình.
Có lẽ trong suốt chuyến hải trình, hình ảnh cây bàng vuông đã lặng lẽ đồng hành cùng chúng tôi cả chặng đường dài. Đó là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt nơi đầu sóng ngọn gió. Là nơi sinh hoạt của các em, các anh chiến sĩ. Tôi còn nhớ rõ bức ảnh tôi chụp đám trẻ đang vẽ tranh dưới tán bàng vuông. Đứa vẽ hình cột mốc, có lá cờ đỏ sao vàng. Đứa vẽ trái bàng vuông, vẽ con tàu ngoài biển, vẽ chiến sĩ, vẽ trường học, vẽ về ngọn hải đăng, những dây hoa muống biển,… Cuộc sống của những em bé ngoài đảo khác với các em bé ở thành phố lắm. Những buổi chiều rảnh các em sẽ qua nhà thầy chơi hoặc cùng thầy lặn, bơi, bắt cá. Ước mơ của đám trẻ cũng đơn giản mà thuần khiết. Có em muốn làm giáo viên vì khi ấy em sẽ nói cho học sinh mình biết biển này là của ta, đảo này là của ta, “biển là quê hương, đảo là nhà”, sẽ dạy những cô cậu học sinh về cách thương yêu và bảo vệ vùng biển quý giá. Hay là ước mơ làm hải quân, cũng chỉ đơn giản vì các em ngưỡng mộ các chú, các em cũng muốn cầm súng để gìn giữ quê nhà. Tôi gặp các em ở đảo Trường Sa lớn và buổi tối liên hoan văn nghệ hôm ấy, từng đứa trẻ hoá thân thành những ánh sao lung linh tự tin toả sáng. Tôi biết đó chẳng phải sao trên trời nhưng lạ thay các em còn sáng hơn cả sao trời.
Bài đăng gần đây tôi kể về lần mình chứng kiến những hình ảnh thả hoa tưởng niệm từ boong tàu. Tôi chắc chắn rất nhiều người không biết. Việc thả hoa ấy nhằm tưởng niệm những chiến sĩ, liệt sĩ đã hi sinh thân mình tại đảo Gạc Ma. Tôi được nghe kể, vào ngày cô chủ tôi chào đời, ngày 14 tháng 3 năm 1988, bọn xâm lược phương Bắc đã khiến Cô Lin và đảo đá Gạc Ma chìm trong không khí thương đau vô tận. Tại đảo Gạc Ma, sáu mươi tư chiến sĩ đã hi sinh sau khi chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Bầu không khí lắng đọng, trầm ngâm, tôi thấy mọi người đều gục đầu xuống thể hiện sự biết ơn và nhớ thương các chiến sĩ. Câu cuối cùng trong bài đăng tôi viết “Nếu một lần đến đây, hãy thả hoa tưởng niệm cho những người anh hùng biển cả này nhé!”. Ở phần tương tác, những bình luận kể về việc thành viên trong gia đình mình là những liệt sĩ năm xưa tại Cô Lin, Gạc Ma được rất nhiều lượt thả tim và lời cảm ơn trao gửi. Tôi thấy, thì ra hiểu biết của tôi thật sự không nhiều, nó còn hạn hẹp lắm! Tôi ước mình có thể lưu giữ nhiều bức ảnh và kỉ niệm hơn để được trò chuyện nhiều hơn về biển đảo quê hương với bạn bè quốc tế.
Những bài viết về biển đảo của thằng máy ảnh Cà Nóng tôi thu hút không ít bạn bè trên thế giới. Nào là ở Ý, Anh, Mỹ, Hàn, Tây Ban Nha,… ôi nhiều không kể xiết. Nhưng tôi không hiểu họ nói gì và vì thế tôi sẽ không thể cho họ thấy nhiều hơn về biển đảo. Vậy nên tôi đã lao vào công cuộc HỌC NGOẠI NGỮ. Lạ lắm đúng không? “Ai đời một thằng máy ảnh lại đi học ngoại ngữ? Nó chỉ cần chuyên tâm chụp ảnh thôi mà!” Ồ! Đó là suy nghĩ của những con người khác và những máy ảnh “cổ hủ” khác. Cà Nóng tôi nhận ra sứ mệnh bản thân không chỉ là chụp ảnh mà còn là sử dụng ảnh của mình để chia sẻ cho rộng rãi những người xem, bạn bè khắp chốn về con người, biển đảo, tổ quốc thân yêu. Nguyên nhân chính cũng đơn giản là “vì tôi yêu nước” – yêu nhất Trường Sa. Nên tôi “bỏ ngoài máy ảnh” (bỏ ngoài tai) mà chú tâm vào việc học ngoại ngữ.
Giáo viên của tôi là cô chủ, tuy cô chủ không biết những thứ tiếng đó nhưng cũng vì tôi mà cô đi học. Cô chủ thấy nó quá có ích nên vẫn luôn hỗ trợ tôi hoàn thành sứ mệnh. Máy ảnh tôi đây không buồn ngủ nhưng học ngày học đêm tôi cũng biết mệt. Tôi bắt đầu nản chí! Cô chủ cũng nhận thấy rồi, cô lại mỉm cười bẽn lẽn nói mai sẽ cho tôi gặp những người quan trọng. Sáng hôm sau, cô chủ dẫn tôi đến một quán cà phê nhỏ, nơi đó có các anh chị phóng viên trên chuyến tàu trước kia. Tôi nhận ra phía xa có những bóng dáng rất quen thuộc. Oà!!!! Mọi người đây mà! Bác Tê Lê này, thằng Ni, thằng So và cả nàng Meica nữa! Tôi mừng không nói nên lời, giá mà tôi bình tĩnh để chụp lại cuộc hội ngộ này thì hay biết mấy. Qua những giây phút ôn lại ký ức, tôi bắt đầu nói cho mọi người biết về kế hoạch của mình. Về việc ảnh chụp được có thể chia sẻ lên mạng xã hội, về việc tôi đã tạo các bài viết về biển đảo và nhận về vô vàn sự phản hồi tích cực, cũng có cả việc tôi đang hoay hoay học những thứ ngôn ngữ mới nữa. Họ trông có vẻ suy tư lắm, lúc này bác Tê Lê lên tiếng “ Những việc làm của Cà Nóng rất hay và bổ ích, bác nghĩ chúng ta nên giới thiệu thêm sách liên quan đến biển đảo. Đợt rồi bác được gặp gỡ vài cuốn sách viết về khơi sa, ôi nó lột tả chân thật đến từng chi tiết! Đọc sách vừa giúp đỡ nhiều mặt trong đời sống và còn nhắm đến mục tiêu mà Cà đã đề ra nữa!”. Tôi đứng phắt dậy, quả là một người có kinh nghiệm thâm thuý, đáng để tôi học hỏi! Tôi cảm ơn bác rối rít, bác và mấy đứa kia cũng nói sẽ giúp đỡ tôi trong kế hoạch này. Meica lúc này nhỏ nhẹ phát biểu “tớ thấy Cà học ngoại ngữ cũng tốt lắm! Cà ráng học để giới thiệu cho bạn bè năm châu về biển đảo nước mình, cậu nhé! Và… tớ sẽ học cùng cậu để tiện giúp đỡ”. Sau khi nghe những lời nói hùng hồn của Meica tôi phấn chấn hẳn. Tụi tôi phân công: thằng Ni và thằng So sẽ cung cấp thêm ảnh cho tôi, Meica sẽ cùng học ngoại ngữ và giúp tôi tương tác thêm với những độc giả, bình luận; còn bác Tê Lê sẽ giúp tôi củng cố về mặt nội dung. Tối về, tôi sướng rơn người! Cà Nóng tôi thầm nghĩ “dự án tác chiến này chắc chắn sẽ toàn thắng” Nói rồi tôi cười một tràng to, hướng mắt nhìn về biển Đông – nơi có Trường Sa thương nhớ.
Thật sự kế hoạch của tôi ngày càng thành công nhờ có sự giúp sức của bạn bè. Vừa rồi tôi cũng đã gặp các cuốn sách “Trường Sa, mai vàng mùa gió chướng” của tác giả Nguyễn Đình Tú, “Chuyện kỳ thú ở quần đảo Trường Sa” của Sương Nguyệt Minh, Đảo chìm (2000) của Trần Đăng Khoa,… Qua một khoảng thời gian tự đọc và tìm hiểu những cuốn sách, tôi cảm thấy hiểu biết của bản thân thật nhỏ bé. Những cuốn sách trên đã nhanh chóng xuất hiện ở các bảng tin của tôi với những lời mời đọc và kể lại trải nghiệm quý giá. Tôi nhận ra mình vừa thu hút một nhóm đối tượng nữa, chính là nhóm có niềm đam mê với sách. Họ tự trách bản thân tại sao lại bỏ qua những cuốn sách hay đến vậy! Ở phần trò chuyện, chia sẻ với bạn bè nước ngoài cũng rất tốt. Nhờ sự chăm chỉ học ngôn ngữ đêm ngày của tôi và Meica, chúng tôi đã tiếp cận được đến những đối tượng là bạn bè quốc tế nhằm cho thế giới biết đến nhiều hơn, rõ hơn về chủ quyền biển đảo Việt Nam, biển đảo Việt Nam và những câu chuyện, con người nơi đầu sóng ngọn gió. Tôi mong kế hoạch này sẽ giúp ích một phần nhỏ nào đó vào công cuộc giữ gìn chủ quyền biển đảo và lan rộng những câu chuyện về quê hương đất nước đến với tất cả mọi người, cũng như lan rộng tình yêu biển đảo, tình yêu sách. Một chiếc máy ảnh là Cà Nóng đã làm những việc như thế! Vậy bạn? Bạn sẽ làm gì để bảo vệ vùng biển, đất nước thân yêu này?
Biển đảo của ta
Nơi ông cha ngàn năm gìn giữ
Bổn phận của ta
Bảo vệ và trân trọng quê nhà
Đất nước của ta
Trách nhiệm tiến bước là của ta!
Người viết: Xuân Như Ý (13 tuổi)