CON TRAI PHÙ THỦY (KELLY BARNHILL): “XÉT CHO CÙNG THÌ LỜI NÓI CŨNG LÀ MỘT LOẠI MA THUẬT.”

1. CON TRAI PHÙ THỦY – “ĐỨA TRẺ KHÔNG XỨNG ĐÁNG”
Ở ngôi làng hẻo lánh nọ, có một người phụ nữ nắm giữ phép thuật. Cô phù thủy dùng nó chữa bệnh và giúp đỡ mọi người. Cô có hai đứa con trai sinh đôi nghịch ngợm, nhanh nhẹn, đáng yêu tên Ned và Tam. Không ai có thể phân biệt chúng, nhưng người làng vẫn khăng khăng rằng có một đứa xuất sắc hơn đứa kia. Năm lên Bảy, hai đứa làm một chiếc bè thả trên dòng sông hòng ra biển. Không may chiếc bè bị lật. Cha của bọn trẻ nhảy xuống sông, nhưng chỉ cứu được một đứa đang thoi thóp. Vì đứa trẻ quá yếu, cô phù thủy sợ nó không qua khỏi và cô sẽ mất cả hai đứa con. Cô đã dùng phép thuật nắm giữ linh hồn vừa rời thể xác của đứa bé đã chết, cột vào linh hồn đứa bé còn sống. Bằng cách đó, đứa trẻ được cứu- Ned- đã qua cơn nguy kịch. Nhưng từ đó, Ned thay đổi hẳn. Cậu ốm yếu, bị tật cà lăm, tách rời khỏi mọi người, và đêm đêm đối thoại với người anh đã chết- Tam- trong những giấc mơ. Người làng ai ai cũng ác miệng, cho rằng đứa trẻ giỏi hơn đã chết, còn Ned là đứa-trẻ-không-xứng-đáng.
2. CON GÁI TƯỚNG CƯỚP VÀ LỜI TIÊN TRI
Ở phía bên kia khu rừng, có một cô bé mạnh mẽ và thực tế tên là Áine. Không may, người mẹ tuyệt vời của em lâm trọng bệnh rồi qua đời với lời tiên tri: “Đứa trẻ không xứng đáng sẽ giải thoát cho con cùng con sói!”. Khi trong nhà không còn gì nừa, cha cô bé mang con vào rừng sâu. Hóa ra, ông vốn là một tướng cướp được thừa hưởng chiếc mặt dây chuyền đầy quyền lực. Năm xưa, vì phải lòng người phụ nữ tốt bụng, tướng cướp đã giải nghệ. Nay người vợ yêu thương không còn, hắn quay trở lại đường cũ, tập hợp những tên cướp khác, trở thành thủ lĩnh quyền năng và độc ác. Áine vô cùng đau lòng khi thấy cha thay đổi và ngày càng đáng sợ hơn, dường như chiếc mặt dây chuyền đã không ngừng tác động, biến ông thành con người khác.
3. HÀNH TRÌNH NGUY HIỂM
Một ngày nọ, tướng cướp đến ngôi làng của Ned. Hắn vô tình chứng kiến mẹ Ned triệu hồi phép thuật cứu mạng nữ hoàng trong gang tấc. Từ đó, hắn vạch nên một kế hoạch man rợ để đánh cướp phép thuật. Nhân lúc phù thủy đi vắng và phép thuật bị nhốt giữ ở nhà, hắn đã đem theo đội quân cướp bóc của mình đến bắt cha Ned làm con tin, buộc Ned phải giao nộp phép thuật. Ned nhanh trí cho phép thuật nhập vào người mình. Cậu phải chịu cơn đau bỏng rát, phép thuật trở thành những con chữ không ngừng chuyển động trên da thịt cậu, không ngừng tác động, dụ cỗ cậu. Vì phép thuật vừa tốt mà vừa xấu, Ned phải kiên định chế ngự nó trong sự bỡ ngỡ của chính mình. Đám cướp đã bắt Ned, đem đi. May mắn thay, giữa đường, khi đang đi trong khu rừng đáng sợ, cậu bé đã trốn thoát. Ned làm bạn với một con sói con. Trong lúc cùng sói lang thang trong rừng, Ned đến trước cửa căn nhà tướng cướp- nơi chỉ có cô bé Áine đang ở nhà. Áine giúp đỡ Ned, vì trước đó cô bé đã nghe toàn bộ kế hoạch của cha và biết Ned là ai, Áine mong rằng việc Ned trốn thoát cũng sẽ giúp cha cô trở lại bình thường. Cô bé đã dẫn đường cho Ned chạy trốn.
Trong hành trình hiểm nguy, hai đứa trẻ đã gặp các Bửu Thạch- chín tảng đá lớn, và khám phá ra một sự thật từ những năm tháng xa xăm…
4. NGÀY XỬA NGÀY XƯA…
xa xưa ở một thế giới khác, có chín người khổng lồ mang phép thuật. Họ sợ cái chết nên đã cố gắng gom phép thuật nhắm vào bản thân để biến mình thành bất tử. Họ đã thành công, có điều không như ý: họ trở thành những tảng đá lớn trong thế giới con người- gọi là Bửu thạch- sống mãi, nhưng bất động, và phép thuật đã bị tách ra khỏi họ, lơ lửng như đám mây. Bị mắc kẹt trong thế giới không phải của mình, Bửu Thạch đau khổ. Cách duy nhất để thoát khỏi sự tồn tại vĩnh hằng vô nghĩa của đá là phép thuật phải được buộc vào linh hồn một người sắp qua đời, để khi chết họ mang theo nó sang thế giới khác, các Bửu Thạch cũng sẽ được chuyển tiếp cùng với phép thuật. Để thực hiện cách duy nhất ấy, các Bửu Thạch đã dạy cho một gia đình loài người tập hợp và điều khiển phép thuật. Không may thay, con người lại tìm thấy sức mạnh ở phép thuật, và họ không làm theo lời Bửu Thạch. Họ đựng phép thuật trong một cái nồi đất, đời này truyền cho đời kia. May thay, đó là dòng họ phù thủy tốt bụng, họ chỉ dùng phép thuật để giúp đỡ mọi người, và có nguyên tắc là tuyệt đối không được dùng phép thuật cho chính mình. Nhưng phép thuật thì không tốt cũng không xấu, nó có linh hồn riêng, nó không phải một mà là tập hợp của trăm ngàn tính cách, biết đối thoại và dụ dỗ con người bằng trăm ngàn lời nói. Vì thế, nó cực kỳ nguy hiểm.
Một ông vua nọ nghe tin ở ngôi làng hẻo lánh trong đất nước mình trị vì có phép thuật tồn tại. Ông muốn cướp nó. Ba người phụ nữ trong gia đình đã chia nhau nắm giữ phép thuật, chạy trốn. Một người chết, phép thuật bà mang tan đi. Một người nữa nằm xuống, phép thuật bà mang hóa đá, tan vỡ và còn sót lại một mảnh thành chiếc mặt dây chuyền. Người cuối cùng trốn thoát, nắm giữ một phần ba phép thuật ít ỏi còn lại. Trong cuộc rượt đuổi ấy, để bảo vệ phép thuật khỏi tên vua độc ác, các Bửu Thạch đã làm ra một khu rừng ngăn cách ngôi làng của phù thủy khỏi vương quốc của bạo chúa. Đó là một khu rừng nguy hiểm, không ai dám đặt chân vào.
Thời gian trôi đi, không ai biết những gì đã từng xảy ra nữa. Ở ngôi làng hẻo lánh, người ta tưởng thế gian kết thúc ở khu rừng, tuyệt đối không biết đến sự tồn tại của vương quốc rộng lớn bên kia. Chín Bửu Thạch vẫn bị nhốt đời đời trong kiếp đá giữa rừng, và phép thuật vẫn được truyền đời này sang đời khác, cho đến nay thì nằm trong tay mẹ Ned.
Mảnh phép thuật trong chiếc mặt dây chuyền cũng được truyền từ đời này sang đời khác, đến tay cha Áine. Chính nó đã xúi giục ông làm những điều độc ác, cũng chính nó đã sai bảo ông đi tìm chiếc nồi phép thuật của mẹ Ned hòng hợp nhất nó, tạo nên quyền lực vô song…
Đúng vào thời khắc phát hiện bí mật đó, Ned và Áine chạm mặt cùng bọn cướp- trong đó có cha Áine…
Và ở hai bên khu rừng, một trận chiến đang được châm ngòi. Ông vua độc ác của vương quốc mênh mông hiện tại vẫn tham vọng không khác gì ông vua thuở xưa. Khi biết sự tồn tại của phép thuật ở một ngôi làng bên kia rừng, bạo chúa muốn chiếm giữ phép thuật, và muốn sát nhập ngôi làng vào vương quốc.
Liệu điều gì sẽ xảy ra?
Ngôi làng có thoát khỏi kết cục thảm khốc?
Ned có sống sót?
Cha Áine có được thức tỉnh, hay sẽ mãi bị chiếc mặt dây chuyền sai khiến?
Các Bửu Thạch có được giải thoát?
Phép thuật sẽ ở lại với con người hay trở về với Bửu Thạch?
Hãy đọc “Con trai phù thủy” của Kelly Barnhill để dấn thân vào hành trình đầy bí ẩn, hồi hộp, xúc động…
5. “XÉT CHO CÙNG THÌ LỜI NÓI CŨNG LÀ MỘT LOẠI MA THUẬT.”
Các Bửu Thạch đã cắt nghĩa cho Ned nguồn cơn căn bệnh nói lắp của cậu bé: là vì cậu có tới hai linh hồn: của cậu, của người anh đã chết. Do đó, nó dẫn đến một “Cuộc chiến của cậu với từ ngữ” vì “Từ ngữ được liên kết với linh hồn.”
Trong truyện, tác giả miêu tả sự khó khăn của Ned khi đối diện với ngôn từ. Mẹ cậu đã không nghĩ cậu có thể điều khiển được phép thuật, vì cậu không thể nói trôi chảy. Phép thuật cũng được miêu tả như là từ ngữ, lời nói, chữ viết. Phép thuật hiện hình trên làn da Ned dưới dạng những dòng chữ chạy liên hồi, vì nó không ngừng nói.
Và Bửu Thạch đã nói một câu thật đáng suy ngẫm: “Xét cho cùng thì lời nói cũng là một loại ma thuật.”
Truyện viết cho trẻ em, nhưng cũng thể hiện cả suy tư triết học: “Sức mạnh của lời.”
6. AI THÍCH HỢP ĐỌC SÁCH?
“Con trai phù thủy” (The Witch’s Boy) được viết bởi nữ nhà văn Mỹ đương đại Kelly Barnhill. Bà đã có nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi sáng giá với đề tài phép thuật, giả tưởng. Bà cũng chính là tác giả sách “Cô bé uống ánh trăng”- một cuốn sách xuất sắc được đánh giá không thua kém gì “Peter Pan” hay “Phù thủy xứ Oz”
Trong năm 2014, cuốn “Con trai phù thủy” đã nhận được một “cơn mưa giải thưởng”: Washington Post Best Book, Kirkus Reviews Best Children’s Book, Publishers Weekly Best Book, Chicago Public Library “Best of the Best” ….
Nhận xét về quyển sách, thời báo Newyork Times cho rằng “Barnhill đã tạo ra một thế giới hấp dẫn của các vương quốc và những lời tiên tri, trong đó sự biến đổi đến nhờ ngôn ngữ, cũng như nhở sự can đảm và ý thức tự thân”.
Sách ca ngợi sự kiên định của các phù thủy khi đối mặt với phép thuật. Phép thuật không tốt cũng không xấu, quan trọng là người ta điều khiển nó như thế nào. Phép thuật tỏ ra vô cùng khó trị, độc lập, mạnh mẽ, luôn tác động, điều khiển chủ nhân. Nhưng mẹ của Ned và Ned đã nỗ lực trấn áp nó bằng ý chí kiên cường. Họ cũng từ chối dùng phép thuật để cứu mình khỏi những tình thế khó khăn. Thay vào đó, họ dùng sức mạnh tự thân. Sự kiên định và mạnh mẽ chẳng phải giá trị nên cổ vũ nhất ở người trẻ đó sao?
Sách cũng làm bừng sáng sức mạnh tình bạn: tình bạn giữa người với người (Ned và Áine), người với vật (Ned và con sói). Mà tình bạn là chủ đề chưa bao giờ hết hấp dẫn với tuổi hoa niên.
“Con trai phù thủy” là một hành trình hấp dẫn với nhiều nút thắt, sự thực bị giấu kín mãi cuối truyện mới tiết lộ. Loại truyện ma thuật, phiêu lưu đặc biệt phù hợp với các bạn trẻ đang lớn.
Vậy nên, lứa tuổi phù hợp nhất để đọc “Con trai phù thủy” là 10 đến 15.
Hy vọng cuốn sách sẽ đem lại niềm vui trong những ngày hè cho các bạn!
Reviewer: Thanh Tâm
Bản quyền bài viết thuộc về Ô cửa sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ô CỬA SÁCH- ĐIỂM HẸN CUỐI TUẦN – TH LÂM ĐỒNG 2021
Ô Cửa Sách – Không Gian Học, Đọc Sáng Tạo Cho Trẻ – Cửa Sổ Văn Học 25/4/2021
‘Ô cửa sách” giữa thành phố hoa
Phóng sự về Ô cửa sách trong chương trình “Vui sống mỗi ngày” của VTV3 – 17/02/2020
WORKSHOP KỂ CHUYỆN SÁNG TẠO “KHI TRẺ LÀ TÁC GIẢ”
LIÊN HOAN KỂ CHUYỆN 2022 TẠI ĐÀ LẠT
Ô Cửa Sách – Không Gian Học, Đọc Sáng Tạo Cho Trẻ – Cửa Sổ Văn Học 25/4/2021
Buổi giao lưu “Nhà văn và trẻ thơ” và talkshow “Học văn làm chi, đọc sách làm gì”
VIẾT TIẾP LỜI CHO SÁCH “CÀ NÓNG CHU DU TRƯỜNG SA”
CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA KHI RÁI CÁ VÀO THÀNH PHỐ?
NGÀI LU
VIRUS CÓ ĂN ĐƯỢC MÙA ĐÔNG?
ANNE TÓC ĐỎ– CHỈ LÀ CÂU CHUYỆN MỘNG MƠ CỦA MỘT ĐỨA TRẺ THÔI SAO?
Anne Tóc đỏ dưới Chái Nhà Xanh – Nơi trí tưởng tượng không bao giờ bị cầm tù
ĐÀ LẠT TRONG TRANG VIẾT CỦA NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
MỘNG GIỚI ONIRIA – SỰ HẤP DẪN TỪ VƯƠNG QUỐC TRONG MƠ
XÂY DỰNG CỐT TRUYỆN
XÂY DỰNG NHÂN VẬT
No Preview
THỞ GIỮA THIÊN NHIÊN
KHÓA ĐỌC VIẾT HÈ 2022