BUỔI ĐỌC “MẬT NGỮ RỪNG XANH”

VỀ NÚI RỪNG, ĐỌC “MẬT NGỮ RỪNG XANH” 🌳🌳🌳🌳
Giữa một căn phòng vách kính nằm giữa núi đồi, nhìn ra thung lũng thông reo xanh mướt ở Đà Lạt, cô trò mình cùng nhau đọc “Mật ngữ rừng xanh” của Lê Hữu Nam Nam Hữu Lê . Cảm giác thật xúc động khi cuốn sách đang được sống trên chính quê hương của nó. Khu rừng này, con thác này, căn biệt thự bên bìa rừng này, một đám trẻ hoà mình với thiên nhiên, làm bạn với thú rừng này… – khung cảnh trong truyện chính là cuộc đời mình đã sống, cũng chính là không gian tuổi thơ trong nỗi khắc khoải nhớ thương của tác giả Lê Hữu Nam. Hôm nay, Ô cửa sách đưa đám trẻ về với thiên nhiên, cũng là để bọn chúng giúp chú Nam sống trọn vẹn cuộc đời rực rỡ dưới mặt trời và nắng gió cao nguyên.
Tác giả Lê Hữu Nam sinh năm 1986 tại Đà Lạt. Song, vì bệnh tim, chú phải về thành phố Hồ Chí Minh sống để tiện chữa trị. Ở đó, chú viết những cuốn sách tuyệt vời cho thiếu nhi: “Mật ngữ rừng xanh”, “Con đến như một phép màu”, “Cuộc phiêu lưu của ếch xanh cùng những người bạn tuyệt vời”, “Cuộc phiêu lưu của bầy thần khuyển”, và một cuốn sách mới toanh sắp ra lò là “7 chuyến du hành vào thiên nhiên”. “Mật ngữ rừng xanh” là tác phẩm khiến độc giả choáng ngợp nhất về độ dài và lượng kiến thức- trong đó có nhiều kiến thức khoa học, lịch sử, văn hoá- được tác giả huy động từ sự trải nghiệm và sự tìm tòi nghiêm túc, dày công. Sách được nhận Giải thưởng Nhà văn trẻ 2015. Nhưng có lẽ giải thưởng đó còn quá khiêm tốn so với giá trị nghệ thuật và những ý nghĩa nội dung cao đẹp của nó.
Truyện mở đầu với chuyến trở về Việt Nam của một gia đình cha người Mỹ, mẹ người Việt. Người cha Bryan Drucker là một giáo sư đại học, quan tâm đến việc bảo vệ thiên nhiên. Ở Việt Nam, Bryan tái ngộ với người anh em đồng hao Lê Việt trong bối cảnh chính quyền cho phép tiến hành dự án du lịch ở khu rừng có ý nghĩa nhất đối với họ, và bọn lâm tặc đang thừa cơ phá hoại rừng, tấn công muông thú. Nhiều năm trước đây, cùng với một người kỹ sư nông nghiệp, họ hợp thành nhóm ba người bí mật tiến hành những cuộc đối đầu với đám lâm tặc độc ác để bảo vệ rừng. Ba người đồng chí có được trong tay ba trong bốn mảnh bản đồ cổ lưu giữ bí mật về cấu trúc địa chất đặc biệt của khu rừng. Họ muốn tìm mảnh thứ tư để đưa bí mật ra ánh sáng, nhằm thuyết phục chính quyền bảo vệ khu rừng. Trong một lần vô tình nói ra, Lê Việt đã khiến bọn lâm tặc biết được bí mật. Bọn chúng đã chăng bẫy giết người kỹ sư nông nghiệp. Trước khi chết, anh còn kịp cứu một chú voi con trong giây phút nó lọt lòng từ bụng con voi mẹ tử thương, và kịp trao lại mảnh bản đồ của mình cho cậu con trai tên Miên.
Về phần cậu bé Jo- con của Bryan, một lần vào thư viện ở Mỹ, cậu lại vô tình thấy mảnh bản đồ da thú thứ tư bị thất lạc mà cha cậu tìm mãi. Có điều cậu không biết đó là vật cha khao khát tìm ra. Và cha cậu cũng chẳng hề hay biết con trai mình đang nắm giữ báu vật. Chuyến trở về Việt Nam này, Jo cùng em gái Susan và người em họ Lê Lâm- con Lê Việt- dấn mình vào cuộc phiêu lưu. Như một sự sắp đặt của Mẹ Thiên Nhiên, bọn chúng lại gặp và kết bạn với Miên – con trai của người kỹ sư đã mất năm nào. Bốn đứa trẻ thế hệ sau tiếp nối cuộc chiến của thế hệ trước, hợp sức với thú rừng, đối đầu với bọn lâm tặc.
Không chỉ là câu chuyện về những người anh hùng, truyện còn xây dựng hình tượng những con thú dũng cảm: báo Đức vua, báo Hoàng tử, tê giác Mây xám, đại bàng Musat, voi Giằng, cùng hổ, khỉ, ngựa, chim… tất cả các con vật từ nhiều loài đều mang tính cách và số phận riêng, vừa đáng xót thương, vừa đáng ngưỡng mộ.
Những cuộc chiến nghẹt thở, những nút thắt chờ được mở cuốn cô trò mình vào thế giới của truyện. Không gian rừng, núi, thác… hùng vĩ, thời gian hiện tại lồng với quá khứ – quá khứ vài năm trước đến cả hai thế kỷ trước. Các nhân vật thuộc ba thế hệ đan xen thành nhiều tuyến. Tất cả những thứ vốn đã rắc rối đó, lại đan cài với các kiến thức về chữ Việt cổ, kiến thức lịch sử đất nước thời thuộc địa, kiến thức về sinh học, địa chất… khiến cuốn sách mang tầm vóc đồ sộ. Thế mà chú Lê Hữu Nam xử lý chặt chẽ, logic mà vẫn gần gũi đến bất ngờ.
Trên tất cả, truyện hướng đến thông điệp bảo vệ môi trường. Cái ác được hiện hình qua những tên lâm tặc chặt cây, giết thú, thậm chí không từ cả mạng sống con người, khiến bạn đọc- nhất là thiếu nhi- thấy căm phẫn. Còn những người anh hùng thì mang trong mình tình yêu thiên nhiên, có khả năng giao tiếp với muông thú, có lý tưởng đẹp đẽ, khơi lên trong người đọc niềm ngưỡng vọng và khát khao hướng thiện.
Mình chọn quyển sách này làm cuốn khởi đầu cho hành trình về với Mẹ Thiên Nhiên trong sáu tuần liên tiếp của bọn trẻ vì nhiều lý do: Thứ nhất là thông điệp của sách, thứ hai là sự gần gũi. Ngay trong chuyến dã ngoại tuần sau, có thể các bé sẽ thấy không gian mà nhà văn đã miêu tả. Đà Lạt của chú Lê Hữu Nam cũng là Đà Lạt bọn mình yêu quý. Khu rừng mà chú muốn giữ gìn có thể là bất cứ khu rừng nào trong số những rừng thông đang dần biến mất một cách âm thầm và khốc liệt. Tất cả những đứa trẻ này cần phải trở thành những người gác rừng trong tương lai. Từ sự gần gũi với thiên nhiên, chú Nam cũng đã trở nên thật gần gũi với trẻ con xứ này. Và một lý do nữa để chọn sách, đó là khiến các bạn nhỏ của mình tự hào và tin tưởng vào khả năng viết văn từ tâm hồn nhạy cảm của người xứ mình. Ước mong của bọn mình là ngay trong đợt này, các bạn nhỏ có thể viết nên những thông điệp mạnh mẽ vì môi trường, theo gương chú.
Cảm ơn chú Lê Hữu Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *