LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT

“Sống là một nghệ thuật mà không phải ai cũng nắm trọn.”

Phố thưa, ngày nắng tháng 2 năm 2020 – mùa dịch

Tôi viết những dòng này trong dịp nghỉ học bất đắc dĩ vì dịch bệnh Corona, mà đó cũng là lý do khiến cho tôi dành thời gian ở nhà nhiều hơn thường lệ. Và chính vì thế nên tôi vô tình tiếp xúc với những món đồ tôi cất giữ lâu hơn, ngày này qua ngày nọ chúng ở đấy đến nỗi tôi băn khoăn không biết mình giữ lại làm gì cho tốn chỗ. Trong lúc lôi đống đồ đó đi, cuốn sách này rơi ra khỏi đống hỗn độn và vì ở nhà cũng chán nên tôi đọc. Lúc đầu tôi đọc chỉ để giết thời gian nhưng câu hỏi in đậm bắt đầu chương hai làm tôi thức tỉnh:

    “Tại sao đồ đạc lại chất nhiều đến như vậy?”  

Và đó là khi tôi bắt đầu lại chính tôi…

    Tại sao một thằng nhóc tránh việc nhà lại đâm đầu vào dọn dẹp!!?

Đã có bao lần bạn quá mệt mỏi với hai từ “dọn dẹp”, cảm thấy món đồ nào cũng cần thiết rồi giữ lại đấy, để chúng cứ chồng chất lên nhau và theo thời gian mà mục rữa. Đã có bao lần bạn muốn dọn vào một căn nhà mới hay một không gian rộng rãi hơn để sinh hoạt. Đã có bao lần bạn hứa sẽ giữ gìn ngăn nắp sau khi dọn dẹp nhưng chẳng được bao lâu.

Bạn thấy đấy, không phải ngẫu hứng mà lối sống tối giản được hình thành, nó bắt nguồn từ chính những nghi vấn tồn tại khách quan trong đời sống thường nhật. Cuốn sách không dành riêng cho bất kỳ ai dù là những bà nội trợ mệt mỏi với việc nhà, các cô cậu vị thành niên với phòng ốc bừa bãi hay với một ông chồng cau mày cầm “hóa đơn” tiền giúp việc mà nó là một phương pháp đọc & ứng dụng ngay cho bất kỳ một ai thấy cuộc sống còn đang quá tải.

   

     Nghe tác giả kể chuyện dọn nhà…

Là một quyển sách self-help nhưng văn phong là một người kể chuyện không quá dông dài mà đủ để cho người đọc nhận ra giải pháp cho những vấn đề của họ. Đủ đối với tôi là một cậu thanh niên trẻ thường lấy cớ “không có thời gian” để ngăn mẹ bảo đi quét dọn nhà mà bây giờ tự đi dọn hết phòng mình đến phòng chị rồi tự nhiên dọn hết cả căn nhà. Như vậy đã là đủ chưa nào!

Toàn bộ kinh nghiệm sống tối giản của tác giả được gói gọn trong 294 mặt giấy với tổng cộng 5 chương ngắn. Ở chương một, đọc giả đi từ tìm hiểu về khái niệm của lối sống này đến câu hỏi tại sao anh chọn nó làm kim chỉ nam cho mình. Sang chương hai, anh giải thích cho họ về nguyên nhân tích tụ đồ đạc trong nhà và từ đó tìm hiểu ý nghĩa của từng hành động giữ lại và chất đống. Nếu bạn đã nhìn thấy chính mình trong chương 2 thì hãy đọc đến chương ba nhé, vì đây chính là nơi những bí quyết cắt giảm đồ đạc được giới thiệu kèm theo những mẩu chuyện ngắn đi từ chính cuộc đời tác giả.

Không để bạn dừng chân lâu, khi vừa biết được cách thức dọn dẹp, chương bốn sẽ chỉ ra cho bạn kết quả của việc thay đổi thói quen sống bằng cách cắt giảm bớt lượng đồ đạc đi không chỉ giúp cải thiện đời sống bên ngoài mà còn mang lại 12 điều thay đổi ở bên trong do chính tác giả trải nghiệm và khảo sát các nghiên cứu tâm lý học. Và cuối cùng ở chương năm – sự tiếp nối của chương bốn, là những lý giải cho một cuộc sống “hạnh phúc” với những gì đã thực hiện kèm theo một danh sách tóm tắt lại 55 quy tắc vứt bỏ đã đề cập đến trong cuốn sách.

Tuy nội dung cuốn sách là về việc sống tối giản, mà cụ thể hơn chính là bắt đầu việc dọn dẹp nhưng có những câu chuyện “bên lề” về triết lý sống mà bản thân ai cũng nhìn thấy mình trong số những mẩu chuyện nhỏ ấy. Lấy ví dụ như: “Đừng nhìn người khác như đồ vật”, “Không còn sợ cái nhìn của người khác”, “Thoát khỏi những ham muốn”, “Không so sánh với người khác”, … Và bạn sẽ dễ dàng nhận thấy bản thân ai cũng có những vấn đề dù không tiện nói ra nhưng chúng luôn ở đó, việc dọn dẹp sẽ giúp bạn trấn an những điều trước mắt và dành thời gian nhiều hơn cho những khúc mắc tận sâu bên trong mà lâu nay bạn vô tình bỏ lỡ. Như cách mà tôi nghĩ, dọn dẹp không chỉ để nhìn lại chỗ mình dọn mà còn để nhìn lại chính mình.

Có hai điều mà bản thân người lười đọc như tôi cũng phải gật gù khi đọc là:

  • Có hình minh họa:

Không chỉ là mình minh họa lấy ở đâu đó trên mạng mà là mình của chính căn phòng tác giả và những người sống tối giản khác được sắp xếp và chú thích kỹ. Bạn vừa đọc “55 quy tắc vứt bỏ” vừa xem quá trình tiễn đồ của tác giả qua các bức ảnh thì quả là sinh động phải không nào!

 

  • Chia thành đoạn văn nhỏ:

Điều đặt biệt của cách chia này nằm ở chỗ mỗi đoạn là một câu chuyện riêng, bạn thấy đấy, dù có bận bịu nhiều thứ đến nỗi không thể đọc hết chương thì ở đây bạn hoàn toàn có thể đặt sách xuống để hôm khác đọc tiếp.

 

      Bản thân tôi đã gặt hái được những gì sau lần đọc đầu tiên?

Tận dụng dịp nghỉ “Corona”, tôi đã bắt tay vào dọn dẹp phòng ốc của mình. Và ngạc nhiên thay, tôi giữ nhiều đồ đến nỗi quên mất chúng có tồn tại và nhờ thế nên việc tiễn chúng đi thì cũng không còn gì quá nặng nề. Những món đồ kỷ niệm như áo lớp cũ thật cũ từ tiểu học và những món đồ chơi để phủ bụi trong các thùng các tông nay lại được thấy ánh sáng mặt trời. Đó cũng là dịp ôn lại những kỷ niệm rồi nói “tạm biệt” với chúng.

Từ văn phòng phẩm đến giấy tờ rồi những chiếc hộp bí ẩn, những cuốn sổ bạc màu rồi những bộ quần áo chật, bạn thấy đấy, cứ càng đào sâu lại càng có thêm những thứ bạn thực sự chẳng cần đến nữa nhưng có khi người khác lại cần hơn nên nếu tiễn chúng đi, vừa có thể giảm thiểu lượng đồ đạc trong nhà, vừa có thể giúp đỡ ai đó.

Những món đồ trang trí một hai cái thì thấy đẹp chứ một “bộ sưu tập” ngổn ngang các thứ không đồng điệu cũng chẳng ăn nhập gì, song chỉ thêm choáng chỗ, thế nên tốt nhất vẫn là nói “tạm biệt không gặp lại” vậy. Tuy nhiên nếu thấy tiếc cho những món đồ đắt tiền bạn có thể dùng nó làm quà cho ai đó hoặc đi quyên góp cho các shop bán đồ cũ để họ có vốn giúp đỡ nhiều người hơn nữa.

Đó là chỉ mới là một phần nhỏ những gì tôi học được từ quyển sách mà chưa hề nghiên cứu thêm ở trên mạng. Nhưng đó chỉ mới là một mặt của lối sống này thôi! Bên cạnh việc “dọn đồ” thì bạn cũng đồng thời “dọn tâm trí” của chính mình. Ví dụ như tôi, sau khi dọn dẹp và đóng gói các thứ để qua một bên. Còn lại ở góc phòng là một không gian vô cùng thoáng đãng và yên bình hệt như cảm giác ta mới dọn vào một căn nhà mới vậy. Nhờ đó, năng suất học tập và làm việc cũng tăng lên, cộng thêm việc cắt bớt khoảng thời gian lãng phí phối đồ mặc, tôi dành được thêm thời gian cho những hoạt động thể thao, chơi piano và đọc sách, từ đó mỗi ngày của tôi phong phú hơn nhiều so với trước kia. Chỉ trong một tuần nghỉ ở nhà mà tôi đã có thể làm thế rồi, còn bạn thì sao, còn hơn một tuần nữa, ngại gì mà không thử!

 

Tựa: Lối sống tối giản của người Nhật

Tác giả: Sasaki Fumio (Nhu Nữ dịch)

Reviewer: Văn Thanh (V18-21 PTNK)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *