ANNA KARENINA – BẢN TRƯỜNG CA BẤT HỦ CHO LÒNG BÁC ÁI

Khi gấp những trang cuối cùng của “Anna Karenina” – một trong hai bộ tuyệt tác làm nên tượng đài đại văn hào Nga Lev Tolstoy (1828-1910), cùng với “Chiến tranh và Hòa bình” – bỗng tôi nghĩ tới một câu mà Victor Hugo đã mượn lời Cha Myriel trong “Những người khốn khổ” để nói lên một chân lý bất hủ: “Trước những lầm lỗi và tối tăm trên cuộc đời này, kẻ đáng trách nhất không phải là kẻ đã rơi vào tăm tối mà chính là kẻ đã gây nên tối tăm”. Lev Tolstoy vốn chỉ có ý định viết “Anna Karenina” như một câu chuyện để tố cáo cái tệ ngoại tình trong xã hội quý tộc Nga thời đó, nhưng chính lòng bác ái ông dành cho Anna đã đưa nhà tư tưởng lớn của xứ sở Bạch Dương gặp gỡ đại văn hào Pháp trên những đỉnh cao văn chương châu Âu. Và cũng chính sự đồng cảm ấy của nhà bác ái chủ nghĩa người Nga đã đưa “Anna Karenina” vượt khỏi khuôn khổ một cuốn tiểu thuyết đả phá tệ nạn xã hội đương thời trong giới thượng lưu để trở thành một bản trường ca bất hủ cho tình yêu, niềm đam mê cuộc sống và thiện căn trong trái tim con người.

Trong “Anna Karenina”, mọi nhân vật đều rất “người”, tức là đều có cả hai mặt tốt – xấu, đáng thương – đáng trách. Karenin là kẻ đáng trách nhất, nhưng cũng là kẻ đáng thương chính bởi thói quan liêu và lối sống như một cỗ máy chỉ biết có công việc và thăng quan tiến chức, kết quả của việc ông ta sinh ra và lớn lên chỉ để làm quan như một đứa con của thời đại mà chế độ Nga hoàng đã rơi vào giai đoạn thoái trào. Anna cũng đã phải thốt lên đầy cay đắng giữa những dòng suy tưởng: “Tất nhiên, lão ta bao giờ chẳng có lý; lão là người ngoan đạo, cao thượng mà… Nhưng đã đến lúc mình hiểu rằng không thể tự lừa mình được nữa, rằng sống không phải là tội ác, rằng Chúa đã tạo ra mình như vậy, mình phải sống, mình phải yêu…” Bi kịch của Anna đến chính từ đây, và Vronsky, người mà những tưởng sẽ trở thành “vị cứu tinh” cho Anna, trao cho nàng một cuộc đời mới, cũng lại góp một tay đẩy nàng vào cái chết thảm khốc dưới gầm đoàn tàu đang chạy, với thói vô tâm, nông cạn, hời hợt, dễ thỏa mãn, cả thèm chóng chán, phù phiếm của anh ta; chính việc anh ta không còn có thể hiểu Anna và không còn cố gắng hiểu nữa đã dẫn tới thảm kịch cho cả hai người. Cái xã hội thượng lưu Petersburg lúc bấy giờ còn tệ hơn: nữ bá tước Lidia Ivanovna, phu nhân Kartasova cùng rất nhiều người khác đã không những không đưa tay ra cứu vớt Anna mà còn đẩy nàng tới bước đường cùng bằng nhiều cách khác nhau, vô tình có nhưng tột cùng gian xảo, quỷ quyệt còn nhiều hơn. Mượn số phận bi thảm của Anna, Lev Tolstoy đã đưa ra một bản cáo trạng hùng hồn, thống thiết cho thói sĩ diện, nhẫn tâm, giả tạo, toan tính và hời hợt, những cái ở giới quý tộc Nga bấy giờ mà tác giả “Chiến tranh và Hòa bình” căm ghét tới xương tủy.

Nhưng cùng với bản cáo trạng ấy của mình, đại văn hào xứ Bạch Dương còn trở thành nhạc trưởng cho một bản trường ca bất tử về tình yêu cuộc sống và thiện tính trong mỗi con người. Nhờ lòng yêu thương đồng loại, sự lạc quan lớn lao và đức tin vào Chúa mà Levin, từ một người không hiểu “phúc lợi xã hội thì ích lợi gì cho tôi” trở thành một chủ đồn điền giàu lòng bác ái và thực sự hòa mình vào cuộc sống của người nông dân Nga mà Lev Tolstoy dành cho họ lòng trìu mến và biết ơn vô hạn. Và Kitty, người bạn đời của Levin, cũng là một con người vô cùng giàu sức sống, lạc quan, yêu đời, giàu xúc cảm trước vạn vật xung quanh. Chính tình yêu kéo họ tới với nhau, cũng chính tình yêu làm khơi dậy lên niềm thông cảm lớn lao của Kitty và chị là Dolly dành cho Anna, cũng chính tình yêu giúp Levin tìm lại chính mình dù không sách vở nào còn có thể giúp đỡ chàng, và cũng chính tình yêu là điều cuối cùng còn ở lại với độc giả chúng ta sau khi đọc xong những trang sau chót của tuyệt tác văn học Nga này. Chính đó là thông điệp lớn lao nhất mà Lev Tolstoy muốn gửi tới chúng ta thông qua những con người của “Anna Karenina”: tình yêu cuộc sống và thiện căn trong tâm hồn chính là sợi chỉ cuối cùng một con người có thể nắm lấy để kéo mình khỏi hố sâu tuyệt vọng và tăm tối, và sợi chỉ ấy, ta phải là người tự tìm ra giữa cuộc đời này, chứ không cần phải mượn một thứ sách vở, diễn ngôn hay lý thuyết nào cả. Và dù sợi chỉ ấy mỏng manh tới đâu, chừng nào ta còn nắm lấy nó, ta còn sống, còn biết yêu và còn tìm thấy động lực cuộc đời.

Đạt được điều đó, chính là chìa khóa để nắm lấy ý nghĩa thần diệu và tối hậu của cuộc sống, rằng “người yêu người, sống để yêu nhau”. Và bằng bản trường ca bất hủ mang tên người thiếu phụ bất hạnh “Anna Karenina”, đại văn hào Nga Lev Tolstoy đã gửi đến chúng ta không chỉ một lời tuyên ngôn hùng tráng về tình yêu cuộc sống và lòng bác ái, mà còn viết cho chúng ta một lá tâm thư rằng: Hãy tin vào những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống quanh ta. Cuộc sống chỉ có một. Hãy sống thật rực rỡ, thật giàu ý nghĩa, để đi tới cuối cuộc đời như Levin, Kitty, để không chịu một tấn bi kịch thảm khốc như Anna…

 

Reviewer: Thế Minh (PTNK khóa 2018-2021)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *